Trong “đứa con tinh thần” vừa ra lò, Nguyễn Quang Thiều sắm vai người kể chuyện. Ông kể với giọng thâm trầm, day dứt về quê hương. Nơi đó có người bà bị liệt, cậu bé mộng du đi tận sát mép nước, người lính bao nhiêu năm chưa về quê mẹ, người thổi kèn lá dứa, hội tắm sông trăng, người đầu bếp cho quân đội Pháp… Ông còn kể về nước Anh, nước Mỹ xa xôi, nơi có ngôi nhà sáng tác trên ngọn đồi quanh năm không ngưng gió, người cựu binh mang trong lòng mối tình không thành với cô công nhân Việt, một thi sĩ bán thơ dạo trên phố và cả chuyến đi không chắc có ngày trở về. Đan xen giữa các câu chuyện là những giấc mộng. Để rồi chính ông là người giải mộng. Lần lượt qua từng trang viết thể hiện vốn sống đầy đặn của tác giả, bạn đọc cũng sẽ tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Trong 5 giấc mộng, giấc mộng thứ 3 ông kể: “Có một ai đó cho đến bây giờ tôi không sao nhớ nổi đã đưa tôi trở lại làng tôi. Khi người ấy chỉ vào sa mạc đá mênh mông và nói làng của ngươi đấy thì tôi vội nói: Không phải, không phải làng tôi. Người ấy khẽ mỉm cười và bảo: Ngươi xa làng nên bây giờ không nhận ra. Nghe vậy tôi giật mình kinh hãi”. Bởi tất cả đã không còn gì như trước. “Dòng sông Đáy, con đường làng, những ngôi nhà, vườn cây và những người thân đã biến mất. Quanh tôi là một miền đất hoang vu đầy những tảng đá lớn nhỏ chạy triền miên như đến tận chân trời. Tôi bàng hoàng đau đớn” - nhà thơ sinh năm 1957 phân trần...
Bao câu hỏi dâng lên trong lòng ông và cả chính người đọc về đề tài bê tông hóa nông thôn hiện nay… Đây thực sự là một tác phẩm đáng đọc bởi sự sâu sắc của những suy ngẫm và sự lấp lánh của ngôn từ.