Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội khích lệ hoà giải viên cơ sở:

Những người "vun lửa” hạnh phúc các gia đình

Hoa Đỗ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên thềm Xuân mới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương có cuộc chia sẻ với PV ấn phẩm Pháp luật và Xã hội về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội.

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cở sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều tăng và trong 10 năm qua, đạt cao 84,53%. Năm 2023 là năm tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Bên thềm Xuân mới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương có cuộc chia sẻ với PV ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị về công tác này.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương trao đổi với phóng viên. Ảnh: Khánh Huy
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương trao đổi với phóng viên. Ảnh: Khánh Huy
 

- 10 năm qua, Hà Nội từng bước đưa công tác hòa giải đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả. Với cương vị là phó Giám đốc Sở Tư pháp, phó Chủ tịch hội đồng PBGDPL TP Hà Nội, đồng chí có thể chia sẻ về điểm sáng trong công tác này?

- Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương: Có thể nói, điểm sáng trong những năm qua là Hà Nội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự,... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Pháp luật & Xã hội (nay là Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội) đã rất tích cực tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Báo đã thực hiện tuyên truyền pháp luật về hòa giải cơ sở trên ấn phẩm in và chuyên trang điện tử đến tất cả các đối tượng bạn đọc là: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Bằng việc xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên mục về hòa giải trên (Hỏi đáp về hòa giải cơ sở, Câu chuyện hòa giải, Hòa giải viên kể chuyện, Cẩm nang dành cho hòa giải viên cơ sở, Những điều hòa giải viên cần biết, Cẩm nang dành cho hòa giải viên…).

UBND TP xây dựng Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật để tuyên truyền pháp luật từ tháng 12/2014 (Http//:pbgdpl.hanoi.gov.vn). Trang tin có chuyên mục riêng về hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2014 đến nay, Trang tin đăng tải gần 1.000 tin, bài, câu chuyện hòa giải, nêu kinh nghiệm hòa giải, những vụ việc hòa giải điển hình, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở, tấm gương hòa giải. Chuyên mục giải đáp pháp luật với nhiều tình huống pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, bảo hiểm và lao động, lĩnh vực pháp luật khác giúp nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật cho hòa giải viên. Trang tin đăng tải nhiều video tình huống giải đáp pháp luật.

Hội đồng phối hợp PBGDPL TP hàng tháng biên soạn tài liệu pháp luật để phát trên loa truyền thanh ở cơ sở các văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân như: Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống bạo lực trong gia đình, phòng, chống ma túy, Quy tắc ứng xử nơi công cộng... Trung bình 2 lần/ngày, hệ thống loa truyền thanh cấp xã phát thanh nội dung tuyên truyền pháp luật.

- Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Qua đó, lan tỏa công tác hòa giải, tôn vinh các hòa giải viên. Đồng chí có thể cho biết, Hà Nội đã triển khai cụ thể như thế nào?

- Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương: Ngay khi Luật Hòa giải có hiệu lực thi hành, năm 2014, UBND TP đã tổ chức cuộc thi hòa giải viên giỏi dưới hình thức sân khấu hóa. Thông qua Cuộc thi Hòa giải viên giỏi để bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn TP, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và Nhân dân về vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền PBGDPL, đặc biệt trong công tác tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Năm 2016, TP tổ chức Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” và tham gia Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” do Bộ Tư pháp tổ chức (Đội thi Hà Nội đạt Giải Đặc biệt); năm 2019 và năm 2023, TP tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” dưới hình thức xây dựng video. Năm 2023, Đội thi của Hà Nội tham gia Cuộc thi do Bộ Tư pháp tổ chức (đạt Giải Nhì Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ IV vòng khu vực và Giải Ba toàn quốc).

Về các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, từ năm 2014 đến năm nay, Hà Nội đã tổ chức 3.481 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đã thu hút hơn 13 triệu lượt người tham gia . Các cuộc thi viết trên giấy: Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” năm 2014, 2015, thu hút 390.984 người tham gia. Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” tổ chức năm 2017, thu hút 420.316 người tham gia. Năm 2018, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự trên địa bàn TP Hà Nội với 924.783 lượt người tham gia.

Các cuộc thi trên mạng như: cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính” năm 2015 trên Báo điện tử Kinh tế & Đô thị Hà Nội; “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân Thủ đô góp phần xây dựng Thủ đô trật tự, văn minh” năm 2016; “Người tốt, việc tốt” trong việc thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô năm 2017 trên trang thông tin điện tử Tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP.

Ngoài ra, TP còn tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa như: “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua, bán người” (năm 2014), “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” (năm 2015), “An toàn giao thông” (năm 2015), “Tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân” (năm 2016), “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy” (năm 2017), “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy” (năm 2018), “Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng” (năm 2023).

Và tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật: “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến (năm 2019) thu hút 867.418 người tham gia, “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” (năm 2020) thu hút 18.000.000 lượt truy cập, 772.115 lượt người tham gia dự thi; “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19” (năm 2021) thu hút 1.032.665 người dự thi. “Tìm hiểu pháp luật về định danh diện tử và dịch vụ công trực tuyến” (năm 2023) thu hút trên 1.500.000 người tham dự.

Tiết mục của Đội dự thi Hà Nội tại “Cuộc thi Hòa giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ IV
Tiết mục của Đội dự thi Hà Nội tại “Cuộc thi Hòa giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ IV
 

- Xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” là điểm nhấn thành tựu của công tác hòa giải ở cơ sở trong 10 năm qua. Đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội có thể cho biết về việc thực hiện các tiêu chí đối với các tổ hòa giải ở cơ sở?

- Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương: Sau khi tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, ngày 22/8/2017, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam TP ban hành Công văn số 1806/TP-MTTQ hướng dẫn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với 5 tiêu chí trong đó tiêu chí tỷ lệ hòa giải thành là 85%.

Từ năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp với UBMTTQ Việt Nam TP hướng dẫn tỷ lệ hòa giải thành từ 90% để phù hợp với tỷ lệ hòa giải đối với tiêu chí công nhận xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn TP, để phù hợp với thực tế tình hình tỷ lệ hòa giải trên địa bàn TP tăng. Để gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền, Sở Tư pháp và UBMTTQ Việt Nam TP đưa ra 05 tiêu chí trong mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP đã chỉ đạo gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải thì ngoài tiêu chí chung thì phải có trên 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”. Từ năm 2022, phải có trên 60% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.

- Đồng chí có thể chia sẻ về cách thức Hà Nội đã làm trong đa dạng các hình thức, mô hình sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở?

- Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương: Bên cạnh việc Cơ quan Thường trực Hội đồng PBGDPL TP tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên, việc TP chỉ đạo cấp phát Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội miễn phí đến các Tổ hòa giải thì với mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, các cấp, các ngành đã tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, như: UBMTTQ Việt Nam TP với mô hình “Nhóm nòng cốt”, Hội Nông dân TP với mô hình “CLB nông dân với pháp luật”, “CLB phụ nữ với pháp luật” của Hội Liên hiệp phụ nữ, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” của Hội Luật gia TP; “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “CLB phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” của CATP Hà Nội…

TP chỉ đạo gắn chặt việc triển khai công tác hòa giải với công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật để người dân nắm, hiểu rõ và giảm được những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Từ năm 2014 đến hết năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP đã tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp cho 71.120 lượt người trong 71.120 vụ, việc.

Có thể nói, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác hòa giải ở cơ sở đã được triển khai tích cực, bài bản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp chặt chẽ với việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao kỹ năng hiểu biết pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tích cực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp, để đội ngũ hòa giải viên được cọ xát, được bồi dưỡng, được cung cấp tài liệu.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được xây dựng và phát triển đạt được nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy phong trào hòa giải trên địa bàn Thủ đô, động viên đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, chính quyền cũng dành nhiều sự quan tâm hơn về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội!

Nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã có giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở: quận Hoàn Kiếm phát hành đĩa tuyên truyền, tổ chức buổi giao ban các tổ hòa giải để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác hòa giải; huyện Phúc Thọ, các tổ hòa giải sinh hoạt định kỳ 01 tháng/1 lần; quận Hai Bà Trưng trang bị Túi sách pháp luật cho 100% tổ hòa giải.

Một số đơn vị đã xây dựng các câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình như: CLB gia đình văn minh hạnh phúc ở huyện Thanh Trì; CLB “Gia đình văn minh hạnh phúc”; CLB “02 không, 01 có”, CLB “Phụ nữ với pháp luật” ở huyện Hoài Đức...