Những “thanh niên sống đẹp” trong đại dịch

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam vừa qua, những người thanh niên nghĩa hiệp đã chia sẻ các câu chuyện nghĩa tình ấm áp của chính bản thân. Những việc tốt họ đã làm không chỉ góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh mà thực sự đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Sáng đi truyền hóa chất, chiều đi hỗ trợ chống dịch
Anh Nguyễn Xuân Hoàn (sinh năm 1981) là Phó Trưởng nhóm Tân Binh, CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam (PVC). Anh xuất hiện tại chương trình với dáng người mảnh mai, một chiếc mũ đội trên đầu và nụ cười tươi. Được biết trong năm 2016, anh Hoàn phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư, nhờ tích cực điều trị ngay, đã vượt qua giai đoạn đó. Sau đó, anh Hoàn đã trở thành một vận động viên chạy bộ nghiệp dư, tham gia rất nhiều giải khác nhau của môn chạy bộ.
Không may, đến tháng 7 năm nay, căn bệnh quái ác lại tái phát gây nhiều khó khăn cho anh. Song, bằng ý chí, nghị lực, niềm lạc quan và sự nhiệt huyết đầy trách nhiệm của mình, anh Hoàn vẫn cùng thành viên CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội và nhiều địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Ngoài ra, anh còn giúp vận chuyển hàng cứu trợ lũ lụt các tỉnh miền Trung; Trung thu cho trẻ em vùng cao…
 Vợ chồng anh Tạ Văn Thành và chị Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: Vương Đức
Bản thân đang bị ung thư giai đoạn cuối nên buổi sáng anh Hoàn phải điều trị truyền hóa chất tại bệnh viện, chiều vẫn tình nguyện làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Thành đoàn Hà Nội phát động. “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?” (Nam Cao), đối với anh Hoàn, việc phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm mới là điều quan trọng nhất đối với anh. Nhưng chính niềm say mê với những cung đường, khát khao được hỗ trợ những người khó khăn hơn mình đã giúp anh vượt qua mọi rào cản để tham gia vào các hoạt động của tuổi trẻ Thủ đô. “Tôi thấy mình vẫn đủ sức khỏe để làm việc. Tôi vô cùng hạnh phúc khi được tận tay trao những suất cơm cho những người gặp khó khăn” - anh Hoàn nói và coi đó như là một liều thuốc tinh thần đặc biệt, giúp anh luôn giữ được lạc quan.

Sự lạc quan, lòng nhiệt huyết đã giúp những chuyến đi, những hoạt động thiện nguyện của anh nối dài. Anh như một “chiến binh”, trở thành người truyền lửa nhiệt huyết cho những người trong CLB PVC, lan tỏa nghị lực vượt qua nghịch cảnh để hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Vợ chồng son xung phong vào tâm dịch

Anh Tạ Văn Thành và chị Nguyễn Thị Huệ đều là điều dưỡng tại bệnh viện Bạch Mai. Anh Thành ở khoa Nhi, còn chị Huệ ở khoa Thần kinh. Đôi vợ chồng trẻ sau khi kết hôn 6 tháng đã đều viết đơn tình nguyện vào miền Nam chống dịch. Điều đáng nói, thời điểm khi anh Thành đặt bút ký vào đơn tình nguyện, anh không hay biết vợ mình cũng đã xin đăng ký xung phong vào tâm dịch. Ngược lại, chị Huệ cũng vậy.
“Vì cùng nhau làm nhiệm vụ chống dịch nên vợ chồng tôi mới quen nhau và đến được với nhau. Nên khi nhận được lệnh vào Nam gấp và đặt bút đăng ký, dù không biết trước nhưng chúng tôi đều nghĩ vợ/chồng mình sẽ hiểu và đồng ý” - anh Thành chia sẻ.

Hai vợ chồng trẻ cũng cho biết: Khi vào làm nhiệm vụ ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh, hai người cũng như đội ngũ y bác sĩ tập trung hết sức, dốc lòng để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nhất là những ca nặng phải thở máy. Mặc dù được tạo điều kiện để hai vợ chồng cùng làm ở một đơn vị, song anh Thành và chị Huệ cũng chỉ kịp nhận ra nhau qua ánh mắt, qua cái tên được viết trên áo bảo hộ...

Trong suốt thời gian chia sẻ câu chuyện của mình, đôi vợ chồng son nắm chặt tay nhau không rời. Đó cũng là cách thể hiện họ cùng nhau thực hiện nhiệm vụ cao cả của y, bác sĩ trẻ, đồng lòng vào Nam chống dịch, dường như cũng là cách họ cùng nhau bước đi trên hành trình phía trước. Vẫn còn rất nhiều những chiến binh áo trắng vẫn đang từng ngày từng giờ tích cực điều trị cho bệnh nhân; rất nhiều người đã xa nhà vài tháng nay… Hai anh chị đều mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống bình thường mới quay trở lại, những người ở lực lượng tuyến đầu sớm được trở về an toàn với gia đình của họ.