Chương trình cải cách thuế của Tổng thống Mỹ đã vượt qua một rào cản quan trọng sau khi Thượng viện nước này thông qua kế hoạch ngân sách tài khóa 2018 vào ngày 19/10.
Với tỷ lệ chênh lệch phiếu thuận-chống sát sao ở 51 - 49, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch cắt giảm thuế trị giá hàng nghìn tỷ USD của ông Donald Trump. Trước đó, ngày 5/10, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một dự thảo ngân sách riêng rẽ cho tài khóa 2018 lên tới 4.100 tỷ USD. Hai viện Quốc hội sau đây sẽ phải thương lượng để thống nhất hai phiên bản dự thảo này. Giới nghị sĩ Cộng hòa cho rằng tiến trình bàn thảo có thể kéo dài tới hai tuần.
Ước tính, chương trình giảm thuế này đẩy gánh nặng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ tăng thêm tới 1.500 tỷ USD trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề xuất giảm chi tiêu chính phủ, bao gồm một công cụ gọi là hòa giải ngân sách - một tiến trình pháp lý tạo điều kiện cho các nghị sĩ Cộng hòa dễ dàng thông qua dự luật cải cách thuế tại Thượng viện khi chỉ cần đa số quá bán ủng hộ. Thông thường, những điều luật quan trọng cần ít nhất 60 trong tổng số 100 phiếu ủng hộ tại Thượng viện mới có thể được thông qua. Phe Cộng hòa hiện kiểm soát 52 ghế tại Thượng viện.
Phía Dân chủ chỉ trích chương trình cắt giảm thuế chỉ làm lợi cho tầng lớp siêu giàu chiếm 1% dân số Mỹ chứ không giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Theo giới phân tích, đối tượng hưởng lợi nhất từ kế hoạch giảm thuế gần 6.000 tỷ USD/năm này là các DN Mỹ thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ, vốn từ trước tới nay không được lợi thế theo chính sách hiện tại. Trong khi đó, các DN công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa bị mất lợi thế. Họ vốn tận dụng được lỗ hổng trong chính sách thuế hiện tại để giảm trừ mức thanh toán lãi suất, chi phí thiết bị và nghiên cứu, cũng như chuyển lợi nhuận cho các thực thể ở nước ngoài nơi có thuế suất thấp hơn.
Nghiên cứu năm 2016 của Giáo sư Aswath Damodaran - Đại học New York cho thấy, trung bình các DN Mỹ thuộc lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng, phân phối thực phẩm và xuất bản phải trả mức thuế khoảng 34%, trong khi con số đó của các DN xăng dầu và khí đốt chỉ ở 7 - 8%. Cơ chế hiện nay tạo điều kiện “né” thuế thuận lợi hơn cho DN “vàng đen”, như cho phép các công ty dầu khí giảm trừ thu nhập đóng thuế bởi mặt hàng này được liệt vào danh sách tài nguyên thiên nhiên. Theo kế hoạch cải cách của ông Trump, hầu hết các lỗ hổng trong hệ thống thuế vụ Mỹ sẽ được siết chặt, để đổi lại mức thuế suất DN thấp. Do đó, một khi được triển khai, chương trình cải cách của ông Trump sẽ không chỉ gây lo ngại thâm hụt ngân sách liên bang mà còn khiến các DN xăng dầu Mỹ nao núng.
Thành công này bên cạnh mở đường cho các nhà làm luật Cộng hòa tăng tốc theo đuổi dự thảo cải cách thuế, còn giúp củng cố niềm tin cho họ. Bởi dù đảng cầm quyền chiếm đa số ở lưỡng viện tại Quốc hội cũng như Nhà Trắng, họ vẫn chưa theo đuổi thành công chính sách mới nào từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Dự định xóa sổ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare hay sắc lệnh di cư trước đó đều đổ bể.