Ninh Thuận lọt top tăng trưởng kinh tế nhờ các dự án năng lượng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dự án năng lượng được vận hành đã góp phần đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.

Hoàn thành 55 dự án năng lượng

Ngày 18/1, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Đạo Văn Rớt cho biết, tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành 55 dự án năng lượng với tổng công suất 3.423MW.

Trong đó, có 35 dự án điện mặt trời (ĐMT) với công suất đạt 2.457MW; 11 dự án điện gió có công suất 667MW và 9 dự án thủy điện đạt công suất 299MW).

Ninh Thuận được ví là thủ phủ năng lượng của cả nước. (Ảnh: TNG)
Ninh Thuận được ví là thủ phủ năng lượng của cả nước. (Ảnh: TNG)

Tổng công suất đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2021 khoảng 3.176 MW (điện mặt trời 2.303MW; điện gió trên đất liền 574 MW; thủy điện vừa  và nhỏ 299MW) với tổng sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia đạt khoảng 6,250 tỷ kWh.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, các dự án đưa vào vận hành đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển các dự án năng lượng tái tạo là một trong 3 trụ cột kinh tế (cùng với du lịch và nông nghiệp) đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.

Cụ thể, trong 2 năm 2019 - 2020 nhờ phát triển năng lượng tái tạo đã tạo đột phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành năng lượng đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nguồn năng lượng tạo ra giá trị gia tăng hơn 2.766 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9,04 % GRDP của tỉnh, tham gia đóng góp khoảng 10,2% trên tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Các dự án năng lượng đã giải quyết khoảng 6.000 lao động, chiếm 2,3% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh.

Các dự án năng lượng đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.000 lao động. (Ảnh: Trung Vũ).  
Các dự án năng lượng đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.000 lao động. (Ảnh: Trung Vũ).  

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng là một trong những địa phương đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư đường dây 500kV để truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) lên lưới điện quốc gia, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về giải tỏa công suất các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, qua theo dõi, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay hệ thống truyền tải điện 110kV, 220kV, 500kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cơ bản đảm bảo truyền tải hết công suất phát của các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Tuy nhiên, trong năm 2021 một số dự án đưa vào vận hành bị giảm phát công suất, do tình hình dịch Covid-19 nên các phụ tải tiêu thụ điện giảm dẫn đến EVN phải thực cắt tiết giảm công suất của các nhà máy điện để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, theo báo cáo EVN toàn quốc cắt tiết giảm công suất của các nhà máy điện trung bình khoảng 7%/năm, riêng tỉnh Ninh Thuận cắt giảm từ 5 - 6%).

Ngoài ra, một số dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận ngày vận hành thương mại COD và đang chờ giá điện mới (gồm 154MW điện mặt trời và 93MW điện gió). Cùng với đó, chính sách giá điện gió và điện mặt trời đã hết hiệu lực nhưng chưa được ban hành, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các dự án đã có trong quy hoạch, cũng như việc kêu gọi thu hút đầu tư các dự án mới.

Hướng đến công suất tích lũy 6.500MW

Theo kế hoạch được thông quan, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000MW để đạt công suất tích lũy 6.500MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí LNG 1.500MW), sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.

Ninh Thuận hướng đến công suất tích lũy 6.500MW. (Ảnh: Trung Vũ)
Ninh Thuận hướng đến công suất tích lũy 6.500MW. (Ảnh: Trung Vũ)

Cụ thể, tỷ lệ tham gia đóng góp của ngành năng lượng, năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh; đạt 22% GRDP của tỉnh; đạt 29% tổng thu ngân sách; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9 - 10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ/Bộ Công Thương xem xét giải quyết giá bán điện đối với một số dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận ngày vận hành thương mại COD và sớm trình và ban hành chính sách giá điện mới (điện gió, điện mặt trời) tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã có trong quy hoạch, cũng như việc kêu gọi thu hút đầu tư các dự án mới.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII cần xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn tính toán bổ sung mới các công trình trạm, lưới điện truyền tải cấp điện áp 500kV, 220kV của Ninh Thuận nhằm đáp ứng định hướng phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện trong giai đoạn tới…

Cũng như, xem xét thẩm định cập nhật các dự án mới đã được tỉnh Ninh Thuận trình, các Đề án quy hoạch điện gió ven biển (công suất 4.380MW) và điện gió ngoài khơi (công suất 21.000MW) tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) để làm cơ sở tỉnh Ninh Thuận tổ chức kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần