Thậm chí, đối tượng này còn mạo nhận là con nuôi của một lãnh đạo cao cấp để lừa đảo nhiều DN và cá nhân trong việc “chạy” dự án, công việc khiến nhiều người sập bẫy.
Làm giả nhiều quyết định
Mới đây, khi TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Long về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Cùng bị truy tố về tội danh này với Long còn có bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc (SN 1958, ở phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Theo truy tố, trong các ngày 1 và 31/7/2015, Cục An ninh chính trị nội bộ, Tổng Cục an ninh – Bộ Công an đã tiếp nhận Công văn số 1360/VPCP-TCCB của Văn phòng Chính phủ đề nghị xác minh làm rõ người xưng tên Nguyễn Trí Đức và tự nhận trợ lý Thủ tướng, Cục trưởng Cục Quản trị tài vụ & ngân sách Chính phủ, Trưởng ban dự án Chính phủ. Đồng thời, cũng tiếp nhận đơn của các ông Ngô Quang V. – Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước và môi trường ở Nghệ An, ông Ngô Công K. (anh trai ông Ngô Quang V.) và ông Hồ Việt L. – Giám đốc Công ty CP Xây dựng Tây Trường Sơn tố cáo bị cáo Nguyễn Trí Đức cùng Cúc có hành vi giả mạo người của cơ quan Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra đã xác minh, ngày 13/8/2015, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp và tạm giữ Long cùng Cúc. Kết quả khám xét đã thu giữ của Long 2 sổ tiết kiệm mang tên Hoàng Thị Thu có số dư 950 triệu đồng cùng một số tài liệu, đồ vật có liên quan. Đồng thời, thu giữ của Cúc số tiền 5.000 USD. Đến ngày 20/8/2015, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam với Long và Cúc để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Căn cứ vào kết quả điều tra đã xác định, bị cáo Long là người có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Từ năm 2009 – 2014, bị cáo này làm việc tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA (thuộc Tập đoàn Tài chính AIGLIFT của Mỹ) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Do làm trong lĩnh vực này nên Long được tham gia một số hội thảo và biết các DN có nhu cầu đầu tư dự án. Vì vậy, Long đã chủ động liên hệ và nhận hồ sơ năng lực để xin dự án.
Để làm được điều này, Long tự in danh thiếp với tên giả là Đức và kèm theo các chức danh rất “có tầm ảnh hưởng” như: Trợ lý Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản trị tài vụ & ngân sách Chính phủ và Trưởng ban dự án Chính phủ. Thậm chí, khi tiếp xúc với một số DN, Long còn mạo nhận là con nuôi của một vị lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu. Tiếp đó, đầu năm 2015, Long còn làm giả quyết định về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2015 - 2018 và kèm theo danh sách dự án của 23 tỉnh, thành và 2 bộ.
Ở giai đoạn này, bị cáo Cúc đang là hội viên của Câu lạc bộ DN của TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Khi biết Long có khả năng xin được các dự án, Cúc đã liên hệ và lấy tài liệu. Sau đó, Cúc đã giả danh người của Ban dự án Chính phủ và chào mời các DN tham gia. Theo đó, tháng 5/2015, ông Hồ Việt L. đã đến gặp Cúc tìm hiểu các dự án xây dựng. Thấy vậy, Cúc đưa ông L. ra Hà Nội gặp Long và tự giới thiệu là em trai của mình. Do thấy tin tưởng, ông L. đã nộp 3 bộ hồ sơ năng lực công ty.
Để tạo lập thêm niềm tin, Long trình danh sách dự án của 23 tỉnh, thành để ông L. lựa chọn gói thầu phù hợp. Sau cuộc gặp, Long ngồi nhà tự chế quyết định chỉ định thầu cho Công ty CP Xây dựng Tây Trường Sơn thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp đường Yên Tĩnh - Hữu Khuông (thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Sau khi chế xong quyết định, Long đã nói để Cúc giục ông L. chuyển tiền để xin dự án. Thấy vậy, ông L. đã chuyển 100 triệu đồng cho Cúc và số tiền này sau đó được chuyển cho Long.
Với thủ đoạn tương tự, cặp đôi này còn đưa anh em ông Ngô Quang V. vào tròng. Theo đó, Long đã chế ra các quyết định chỉ định thầu công ty thực hiện Dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long và Dự án nạo vét, xây bờ kè, bảo tồn sông Đào Khê ở Ninh Bình. Thấy có quyết định chỉ định thầu, ngày 24/7/2015, ông V. đã chuyển 500 triệu đồng cho Long. Cùng ngày, bị cáo Cúc còn “vòi” thêm anh em ông V. số tiền 10.000 USD với lý do làm quà biếu nhằm thúc đẩy việc giải quyết vay vốn thực hiện Dự án Nhà máy nước Hoàng Mai. Do tin tưởng, ông V. đã đưa cho Cúc số tiền trên.
Ngoài ra, tài liệu truy tố còn thể hiện, sau khi có đơn tố giác của các bị hại, Cơ quan điều tra đã vào cuộc và thu giữ được 33 tài liệu photocopy có tiêu đề “Quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Đối với các tài liệu photocopy thu giữ được, bị cáo Long thừa nhận đã lấy các trên internet rồi về tự chế. Ngoài ra, quá trình rà soát các hồ sơ, Cơ quan điều tra còn thấy có một số DN khác đã “tiếp xúc” với Long và Cúc nhưng nghi ngờ nên đã không làm theo.
Nhiều cá nhân sập bẫy
Cũng theo truy tố, quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn xác định, bị cáo Long đã chiếm đoạt số tiền hơn 800 triệu đồng của 5 nạn nhân khác trong việc nhờ bồi thường đền bù đất, chạy xin việc. Cụ thể, ở những lần gặp gỡ, bị cáo Long đều “nổ” và giới thiệu mình làm cán bộ ở Văn phòng Chính phủ, con nuôi lãnh đạo cấp cao rồi không quên hứa hẹn nên có rất nhiều cá nhân đã mắc bẫy kẻ lừa đảo này. Có trường hợp, bị cáo Long đã đòi 600 triệu đồng để làm phí “dịch vụ hành chính công”. Ở phi vụ này, nạn nhân đã chuyển 320 triệu đồng cho Long và rồi mất liên lạc. Đến khi biết Long bị bắt nạn nhân mới biết mình bị lừa.
Trong một trường hợp khác, bị cáo Long còn giúp một công nhân làm trong công ty thực phẩm vay ưu đãi ngân hàng số tiền 1 tỷ đồng mà không cần thế chấp. Ở phi vụ này, kiếm cớ cần có tiền “lót tay” khi làm thủ tục vay vốn, Long đã yêu cầu nạn nhân chuyển vào tài khoản do bị cáo cung cấp số tiền hơn 116 triệu đồng. Cũng giống như lần trước, sau khi nhận tiền Long đã chủ động cắt đứt liên lạc.
Tiếp đó, bị cáo Long cũng được xác định đã nhận hơn 290 triệu đồng của một nạn nhân khác để chạy việc vào ngân hàng tại Hà Nội. Tổng cộng, tính đến trung tuần tháng 8/2015, bị cáo Long đã lừa đảo chiếm được hơn 1,4 tỷ đồng của nhiều DN và cá nhân. Ngoài ra, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra cũng xác định, không có căn cứ cho thấy Cúc đồng phạm và được ăn chia tiền bất chính với Long. Tuy nhiên, nữ đối tượng này được xác định đã chiếm đoạt 10.000 USD của ông Ngô Quang V. khi bịa ra chuyện phải mua quà đối ngoại.
Cái giá phải trả
Quá trình xét xử, TAND TP Hà Nội căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai và tranh luận tại phiên tòa có đủ cơ sở xác định, bị cáo Long đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tổng cộng hơn 1,4 đồng của 6 tổ chức, cá nhân. Trên thực tế, bị cáo Long không phải cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ và cũng không phải con nuôi một vị lãnh đạo cao cấp nhưng vẫn mạo nhận như vậy để các bị hại càng thêm tin tưởng khi giao tiền. Đồng thời, bị cáo cũng không có khả năng xin được dự án cho những DN như đã hứa hẹn.
Đối với bị cáo Cúc, HĐXX sơ thẩm cũng cho rằng, mặc dù không đồng phạm với bị cáo Long, song có đủ căn cứ xác định bị cáo đã chiếm đoạt của 2 cá nhân số tiền 10.000 USD bằng việc nói dối các bị hại là đưa tiền để mua quà biếu một vị lãnh đạo cấp cao…
Từ những nhận định trên, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Phi Long 14 năm tù và Nguyễn Thị Kim Cúc 4 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Được biết, vào tháng 1/2007, bị cáo Trịnh Phi Long bị TAND huyện Thanh Oai (Hà Nội) xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng tính từ ngày tuyên án và phạt bổ sung 5 triệu đồng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. |