Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực của Hà Nội trong chính sách đãi ngộ nghệ nhân

Nguyễn Yến - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau gần 1 năm Nghị quyết 23/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về quy định chế độ đãi ngộ hỗ trợ nghệ nhân, Hà Nội đã có 14/18 NNND và 101/113 NNƯT đã nhận được kinh phí đãi ngộ với tổng kinh phí 3,59 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP đã bố trí kinh trí cho các nghệ nhân thực hiện truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hoạt động này có ý nghĩa to lớn, kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao quyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản.

Đó là nội dung được thông tin tại tọa đàm tọa đàm "Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội" diễn ra ngày 27/9 do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức. 

Nghệ nhân nhận trách nhiệm đầu tàu gìn giữ di sản

Hà Nội đang nỗ lực triển khai các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sau Nghị quyết số 23 của TP, Sở VH&TT Hà Nội ban hành quyết định số 488/QĐ-SVHTT về việc chi đãi ngộ, hỗ trợ NNND, NNƯT. 

Các nghệ nhân biểu diễn ca trù trong khuôn khổ tọa đàm "Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội" sáng 27/9.
Các nghệ nhân biểu diễn ca trù trong khuôn khổ tọa đàm "Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội" sáng 27/9.

Hiện nay, các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện, hỗ trợ kiện toàn, thành lập các Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định, từ đó có thể được hưởng chế độ hỗ trợ như 50 triệu đồng cho các câu lạc bộ lần đầu thành lập và hàng năm được hỗ trợ 20 triệu đồng để hoạt động. Đến nay, đã có 2 câu lạc bộ được thành lập: Câu lạc bộ Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông), 10 Câu lạc bộ đã thành lập Ban Vận động và đang hoàn thiện thủ tục thành lập Câu lạc bộ như: Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc, Câu lạc bộ tuồng xã Xuân Nộn…

Các địa phương Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên… đã hỗ trợ các câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức nhiều lớp truyền dạy, nhiều đợt truyền dạy với các di sản như hát ca trù, hát trống quân, hát tuồng, múa rối nước, hát dô, hát chèo, cồng chiêng của người Mường, múa rối cạn, nặn tò he, xẩm, hát múa bài bông, hát múa ải lao… Trong đó có kinh phí hỗ trợ NNND truyền dạy là 500.000 đồng/người/buổi, NNƯT 300.000 đồng/người/buổi.

Các hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản cũng đã được quy định mức hỗ trợ cụ thể nghệ nhân thực hành di sản, qua đó góp phần tạo nên sức sống của di sản. Ngoài ra trong các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa của địa phương và Hà Nội; các hoạt động trên khu vực phố đi bộ, phố cổ đã thường xuyên đưa các tiết mục trình diễn của nghệ nhân đến với công chúng.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng các nghệ nhân sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho cộng đồng, địa phương của mình, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội phát biểu tại tọa đàm (ảnh VOV.vn)
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội phát biểu tại tọa đàm (ảnh VOV.vn)

Việc được phong tặng các danh hiệu và kinh phí đãi ngộ, các nghệ nhân xem đây là nguồn động lực để tiếp tục gìn giữ, trao truyền các di sản. Nghệ nhân tuồng Dương Cốc (Quốc Oai) Nguyễn Văn Lý cho biết: “Các nghệ nhân chúng tôi khi dấn thân vào nghiệp gìn giữ, trao truyền di sản luôn xác định được trách nhiệm, tình cảm của bản thân đối với di sản của cha ông, dù còn nhiều khó khăn vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đã được cộng đồng giao phó. Tôi cũng mong rằng, những người đã được phong tặng các danh hiệu NNND, NNƯT sẽ tiếp tục là đầu tàu, gương mẫu để giữ gìn ngọn lửa nhiệt huyết trong cộng đồng, lan tỏa tình yêu, ý thức trách nhiệm của các thế hệ dành cho di sản của tiền nhân”.

Cứu di sản thành công

Theo báo cáo đánh giá thực trạng nghệ nhân, bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lí Di sản văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội thông tin, trong số 131 nghệ nhân đã được phong tặng qua 3 đợt, tính đến nay có 18 nghệ nhân đã mất, 8 nghệ nhân từ 91 – 100 tuổi, 15 nghệ nhân từ 80 – 89 tuổi, 28 nghệ nhân từ 70 – 79 tuổi, 17 nghệ nhân từ 50 – 59 tuổi, 11 nghệ nhân được coi là nghệ nhân trẻ từ 42 – 49 tuổi, 3 nghệ nhân có độ tuổi dưới 40. Từ thông tin báo cáo trên có thể thấy, hiện nay số lượng nghệ nhân trên địa bàn TP Hà Nội có độ tuổi khá cao, thế hệ kế cận còn ít.

 

"Di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với con người, thể hiện qua sự biểu đạt của con người. Nghệ nhân là chủ thể của di sản, và nghệ nhân cũng phải gắn với một cộng đồng nhất định để cùng nhau bảo vệ di sản. Ngoài ra những người không thuộc cộng đồng thực hành di sản, như các nhà nghiên cứu hay nhà quản lý cũng đóng vai trò quan trọng. Đó là trách nhiệm với tổ tiên, cha ông và các thế hệ đi trước đã bảo vệ di sản cho đến ngày nay" - TS. Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam.

Những người làm quản lý văn hóa đều hiểu vai trò lớn lao của nghệ nhân với di sản. Họ là báu vật sống của di sản. Và nói như NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, nhiều di sản đã được các nghệ nhân “cứu” thành công trước nguy cơ mai một.

Có rất nhiều nghệ nhân khác cũng đau đáu trước nguy cơ biến mất của di sản. Có thể kể tới NNƯT Nguyễn Thị Vẫy, cố NNƯT Nguyễn Thị Lơ (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín); NNƯT Kiều Thị Chải (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên), NNƯT Nguyễn Văn Bôn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) ... đã có những đóng góp, và giúp ngành văn hóa thủ đô cùng chính quyền địa phương có các chính sách bảo vệ khẩn cấp trước nguy cơ di sản biến mất hoàn toàn.Trong lĩnh vực Ngữ văn dân gian, qua thời gian ngôn ngữ này không được sử dụng. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm kê, các chuyên gia đã nhận thấy những giá trị văn hóa độc đáo và kịp thời cùng cộng đồng bảo vệ di sản bằng cách tiến hành tư liệu hóa thành một cuốn từ điển...

Các nghệ nhân là các chủ thể, thuộc một cộng đồng mà chủ thể ấy tham gia, nghệ nhân nào cũng gắn với cộng đồng nhất định. Trong cộng đồng di sản, nghệ nhân là nhân vật có vai trò quyết định đối với thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Di sản không nhất thành bất biến mà biến đổi theo bối cảnh xã hội, nghệ nhân là lực lượng mang tới sáng tạo làm đổi mới diện mạo di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể nếu nhận được sự quan tâm trước hết từ cộng đồng thì sẽ được bảo vệ trong môi trường văn hóa, xã hội của cộng đồng ấy. Để di sản văn hóa phát huy được giá trị cũng cần đến vai trò của cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu. Việc phong tặng, vinh danh và bước tiếp theo là quan tâm chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân sẽ tạo động lực để nghệ nhân giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa. Tuy nhiên, danh hiệu này cũng cần sự tích cực, chủ động từ nghệ nhân trong việc nhận diện giá trị của mình và mạnh dạn đề xuất, tự đề cử ở hội đồng cấp cơ sở và cao hơn.