Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực của ngành chức năng, chưa đủ!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các khu công nghiệp đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng ATTP và đặt ra câu hỏi về quyền lợi của người lao động, đạo đức kinh doanh cũng như năng lực quản lý của ngành chức năng.

 Mỗi năm Việt Nam có khoảng 5.000 người mắc và 26 người chết do ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa
Thống kê của Cục ATTP cho thấy, trung bình, mỗi năm có khoảng 5.000 người mắc và 26 người chết do ngộ độc thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn... Có thể nói, ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh đối với cộng đồng. Dù đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm cũng như tính chất vi phạm ATTP trên cả nước vẫn rất đáng lo ngại. Lo nhất vẫn là việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, thời gian qua, TP đã dồn lực kiểm soát ATTP, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra các bếp ăn tập thể nói chung, bếp ăn tập thể các khu công nghiệp và chế xuất nói riêng. Nhờ vậy, tại các khu công nghiệp chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào, tuy nhiên, mối lo ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn khi nguồn nông, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 60 - 65% nhu cầu, còn lại phụ thuộc vào nguồn từ bên ngoài đưa vào. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Bởi vậy, kiểm soát ATTP chỉ nỗ lực của ngành chức năng chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị các địa phương. Bên cạnh đó, là lương tâm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như ý thức của người tiêu dùng. Thực tế thời gian qua, quá nhiều vụ việc gây nhức nhối cho toàn xã hội bởi những người kinh doanh vì lợi nhuận mà coi thường luật pháp, coi thường sức khỏe người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, đấu tranh loại trừ thực phẩm bẩn chắc chắn sẽ giành được thắng lợi, nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Nhưng, pháp luật dù chặt chẽ đến đâu cũng không thể xử lý hết được tất cả sai phạm, nên vấn đề đạo đức kinh doanh thực phẩm có vai trò hết sức quan trọng. Đây mới là nỗi lo thực sự!