Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực của Phú Yên rất đáng biểu dương

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Trong thời điểm khó khăn của cả nước, việc tỉnh Phú Yên khẳng định sẽ đi đầu thực hiện phương châm mà Chính phủ đề ra, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế với những nỗ lực cao nhất, nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém để làm tốt hơn nữa là rất đáng biểu dương.

Ngày 16/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiếu cho biết: 5 năm qua, kinh tế địa phương duy trì mức tăng trưởng khá, với tốc độ bình quân hàng năm 7,8%; quy mô nền kinh tế dự kiến gấp 1,6 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 53,4 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Thu ngân sách năm 2020 ước đạt 9.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 53% tổng chi ngân sách địa phương, gấp 3,5 lần so với năm 2015. 
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá, bình quân hàng năm tăng 18,5%. Trong 5 năm, đã thu hút hơn 230 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 31 nghìn tỷ đồng; cấp mới đăng ký kinh doanh 2.350 doanh nghiệp; đến cuối năm 2020, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 3.528 doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi làm việc
Mặc dù vậy, trong số 18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đầu nhiệm kỳ, dự kiến chỉ có 15 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 3 chỉ tiêu thực hiện còn thấp, khó đạt kế hoạch, gồm có tốc độ tăng GRDP bình quân, GRDP bình quân đầu người và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.Nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư đã góp phần thúc đẩy góp phần tăng thu hút đầu tư. Đô thị Tuy Hòa đang hướng tới trở thành đô thị loại I; hoàn thành nâng cấp thị xã Sông Cầu lên đô thị loại III; 95% số xã đạt tiêu chí đạt tiêu chí về giao thông theo tiêu chí nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh cũng chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2020 ước còn 2,5%; chất lượng giáo dục chuyển biến tốt, số trường chuẩn quốc gia chiếm 57%, tăng gần 27% so với 2015; vốn ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ tăng 3,7% so với giai đoạn trước; an ninh - quốc phòng được đảm bảo.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, tỉnh đã lập phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tiến hành sáp nhập 34/625 thôn, buôn, khu phố9/9 địa phương thực hiện hợp nhất, sáp nhập các trường mầm non công lập, tiểu học và trung học cơ sở; 16 sở, ngành thực hiện sáp nhập phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, tỉnh cũng đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công; xây dựng bộ chỉ số và tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện xin lỗi tổ chức, công dân khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, trễ hạn; rút ngắn từ 35-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, xác định nhiệm vụ của các tháng còn lại của năm 2020 là hết sức khó khăn nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiếu cho biết, tỉnh vẫn quyết tâm phấn đấu giữ nguyên mục tiêu đề ra đối với các chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu… 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, thời gian qua, với nhiều nỗ lực, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên đạt nhiều kết quả rất tích cực, mặc dù vậy những thành tựu đó thực sự vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững; quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; đời sống của đồng bào vùng sâu vùng xa còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. 
Cơ bản đồng ý với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời điểm khó khăn của cả nước, việc tỉnh khẳng định sẽ đi đầu thực hiện phương châm mà Chính phủ đề ra, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế với những nỗ lực cao nhất, nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém để làm tốt hơn nữa là rất đáng biểu dương.
Phó Thủ tướng thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Lan
Ông đề nghị Phú Yên tiếp tục tập trung cao độ phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng nhân dân. Cùng với đó phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế. 
Tỉnh cũng cần tiếp tục tạo đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là trong phát triển năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và làm tốt công tác quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch. Đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, kinh tế số. 
Cùng với đó, cần làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết triệt để ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm, không để ảnh hưởng đến an ninh trật tự. 
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn, coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, làm cơ sở, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Đối với một số kiến nghị của tỉnh, như cho phép Phú Yên được xét tuyển đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 2015 trở về trước; được đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước tập trung; cơ chế để Phú Yên kết nối, liên kết vùng đảm bảo hiệu quả giữa Khu kinh tế Bắc Vân Phong với Khu kinh tế Nam Phú Yên; cho Khu kinh tế Nam Phú Yên được hưởng một số cơ chế, chính sách như đối với Khu kinh tế Bắc Vân Phong; quy hoạch đường cao tốc từ Phú Yên lên các tỉnh Tây Nguyên; sớm triển khai đầu tư, xây dựng Cảng hàng không Tuy Hòa theo quy hoạch và cho phép mở rộng quy hoạch, nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm... Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành đối với từng kiến nghị và yêu cầu các đơn vị này có trả lời tỉnh sớm hoặc tham mưu lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết.
Nhân chuyến làm việc tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng quỹ khuyễn học của tỉnh 300 triệu đồng. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lan; Thương binh Nguyễn Đắc Tấn và thăm ông Đào Tấn Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tại TP Tuy Hòa.