Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn cùng với phía Mỹ tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngày càng phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Liên quan đến đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn hết sức tích cực và trách nhiệm trong đàm phán TPP. Song là một quốc gia có trình độ phát triển còn thấp, nên trong đàm phán, Việt Nam mong muốn Mỹ hiểu những khó khăn của Việt Nam, có sự linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam, góp phần sớm kết thúc thành công đàm phán TPP, có tiếng nói ủng hộ để Chính phủ Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn Mỹ đã có tiếng nói kịp thời phản đối hành động sai trái của
Trung Quốc khi đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; mong muốn Mỹ tiếp tục có tiếng nói lên án hành động phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ trưởng Penny Pritzker cho biết, Mỹ hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Mục đích chuyến đi của đoàn Bộ Thương mại Mỹ lần này tới Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; đi theo đoàn có nhiều doanh nghiệp (DN) là những tập đoàn hàng đầu của Mỹ mong muốn sang tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Bộ trưởng Penny Pritzker cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn cải thiện môi trường đầu tư; không ngừng củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; đã thực hiện đúng các cam kết quốc tế khi gia nhập WTO; luôn tạo điều kiện thuận lợi để các DN của Mỹ nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp bà Penny Pritzker - Bộ trưởng Thương mại Mỹ và các đại biểu đại diện Hội đồng kinh doanh Thương mại Mỹ - ASEAN đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn hai nước Việt Nam - Mỹ đẩy mạnh thực hiện tốt nội dung Tuyên bố chung do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barak Obama đã ký kết tháng 7/2013; trong đó có những thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần làm cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ủng hộ việc thúc đẩy vì thịnh vượng của Việt Nam
Trước đó, tại buổi họp báo với các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Penny Pritzker cho biết, bà trở lại Việt Nam cùng đoàn lãnh đạo nhiều DN Mỹ theo chương trình của Chính phủ của Tổng thống Barack Obama. Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng lớn đối với các công ty của Mỹ và Mỹ ủng hộ việc thúc đẩy vì thịnh vượng của Việt Nam; chia sẻ sự tăng trưởng cũng như cam kết hoạt động hợp tác thương mại. Chuyến thăm còn góp phần thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ trong hợp tác với các nước ASEAN.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, huy động nhiều tàu đi cùng, gây nên tình hình hết sức căng thẳng ở Biển Đông, Bộ trưởng Pritzker cho rằng đây thực sự là việc làm khiêu khích, tạo sự căng thẳng. Nhiệm vụ của Mỹ là duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Mặc dù DN Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi tác động từ tình hình căng thẳng này nhưng do cam kết phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, nên Mỹ khuyến khích các bên trao đổi bằng con đường ngoại giao, có thể qua cơ chế pháp lý quốc tế. Bộ trưởng Penny Pritzker cũng đánh giá, DN Mỹ mong muốn gắn bó kinh doanh lâu dài tại Việt Nam cũng như ASEAN - một thị trường với khoảng 600 triệu dân. Việc phát triển kinh tế cũng như sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại thị trường này là điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp Mỹ. DN Mỹ có thế mạnh về công nghệ, năng lượng, du lịch, bảo hiểm, dịch vụ tài chính. Trong nhiều lĩnh vực, phạm vi thì ASEAN có nhu cầu lớn về lĩnh vực trên cho sự phát triển của mình. DN Mỹ thấy được tiềm năng lớn của Việt Nam cũng như ASEAN, nên mong muốn tăng cường sự hiện diện, phát triển lâu dài tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN.
Doanh nghiệp Mỹ muốn kinh doanh lâu dài tại Việt Nam
Sáng 2/6, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gặp mặt Đoàn lãnh đạo cấp cao của các DN Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đây là những DN lớn hoạt động trên các lĩnh vực bảo hiểm, năng lượng, giáo dục đào tạo... được Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN mời sang Việt Nam để tham gia thảo luận với Chính phủ, cũng như cộng đồng DN Việt Nam về cách thức để cùng nhau đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương; thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin với đoàn về tình hình phát triển của kinh tế và DN Việt Nam trong thời gian qua, khẳng định Việt Nam cam kết phát triển một môi trường đầu tư thân thiện, tạo mọi điều kiện cho các DN nước ngoài trong đó có DN Mỹ đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Đoàn lãnh đạo cấp cao của các DN Mỹ đánh giá cao các thông tin được Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại buổi làm việc, đồng thời cũng đã trao đổi thẳng thắn về tình hình kinh tế Việt Nam; cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những đối tác lớn, muốn làm ăn lâu dài với Việt Nam; tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương…
Chuyến thăm làm việc của Đoàn thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng DN Mỹ vào triển vọng phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; cũng như tái khẳng định cam kết hợp tác lâu dài của các DN Mỹ đối với khu vực này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker. Ảnh: Nhật Bắc
|
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1994, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng từ 225 triệu USD, đến nay đã đạt 30 tỷ USD. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ đã lên đến gần 30 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với năm 2005; đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Hiện tại, quan hệ hai nước đang tiếp tục có điều kiện để tiến xa hơn nữa thông qua việc sớm kết thúc đàm phán để ký kết Hiệp định TPP. |