Đó là một trong những kết quả nổi bật đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp Thủ đô sau 6 năm thực hiện Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn 2009 - 2016.
Những con số biết nói
Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất – tiêu thụ RAT tại nhiều huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh... Đồng thời, xây dựng được 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc. Sản phẩm RAT Hà Nội có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được tiêu thụ qua 18 DN, 17 HTX cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể, siêu thị với sản lượng gần 200.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Duy Hồng – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho hay, để đảm bảo các sản phẩm RAT đều được truy suất nguồn gốc, từ năm 2011, Hà Nội đã triển khai gắn tem, nhãn nhận diện RAT tại 40 cơ sở sản xuất, tiêu thụ RAT. Nhờ đó, chất lượng RAT Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá cao và tin dùng.
Song, thành công lớn nhất phải kể đến của đề án sản xuất và tiêu thụ RAT là đã tác động tích cực làm thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc BVTV của nông dân các huyện ngoại thành. Kết quả điều tra của Chi cục BVTV Hà Nội cho thấy, nông dân đã tăng tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học lên 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc BVTV hóa học, giảm 50% chi phí sử dụng thuốc BVTV. Để có kết quả này, Chi cục BVTV Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân. Đó là mở các lớp tập huấn cho nông dân về phòng trừ dịch hại tổng hợp trên rau, tập huấn về ATTP trong sản xuất. Bên cạnh đó, Chi cục đã triển khai hàng trăm thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV cho nông dân như: Che phủ nilon, trồng rau trái vụ trong nhà lưới...
Để đảm bảo chất lượng ATTP cho các sản phẩm RAT, Chi cục BVTV Hà Nội phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra sản xuất RAT và giám sát kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại cơ sở. Từ năm 2009 đến nay, chi cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất hơn 4.000 lượt cơ sở, DN; cấp 502 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV, 234 giấy phép vận chuyển và 20 giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc BVTV.
Cần chính sách đặc thù
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của đề án sản xuất và tiêu thụ RAT, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt ra mục tiêu giảm diện tích, mức độ hại của sinh vật gây hại, giảm lượng thuốc BVTV sử dụng trên rau. Đồng thời, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng quy định cho 95% diện tích sản xuất rau, quả, chè. Cùng với đó, tiếp tục duy trì 5.100ha RAT đạt 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha/năm, phát triển 3.000 – 4.000ha rau chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất rau vụ Đông đạt 120 triệu đồng/ha/vụ. Tất cả các diện tích rau nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt sẽ được hướng dẫn thực hiện theo quy trình sản xuất RAT. Đặc biệt, TP sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ 50 chuỗi cung cấp RAT đảm bảo 2 tiêu chí truy xuất nguồn gốc xuất xứ và ATTP.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Hà Nội cần được Bộ NN&PTNT quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt, trong đó quan trọng hàng đầu là về cơ chế, chính sách. Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Bộ NN&PTNT cần sớm sửa đổi những bất cập của bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm rau VietGAP và ban hành quy định về sản xuất và kinh doanh rau hữu cơ. Sở cũng kiến nghị TP chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP. Ngoài ra, TP cần có cơ chế hỗ trợ nông dân, DN phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT thông qua hình thức đầu tư các hạng mục kỹ thuật và hạ tầng một cách hiệu quả như xây dựng chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, điểm bán, cửa hàng kinh doanh RAT.
Tại hội nghị tổng kết Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP giai đoạn 2009 – 2016 diễn ra ngày 17/11, Bộ NN&PTNT đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 5 cá nhân; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án. |