Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, đề cập về những thách thức trong thời gian từ nay đến cuối năm, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều thống nhất nhận định, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.
Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng giảm; nợ xấu có xu hướng tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp. Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 13,1% trong 8 tháng. Thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Với mỗi người dân, không khó để có thể cảm thấy những khó khăn, thách thưc đó. Theo số liệu thống kê, giá xăng, dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước.
Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Trong10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhiều mặt hàng trong số đó là những mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân. Cụ thể nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85% (làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm).
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng tăng 9,85%; giá dầu diezen tăng 15,9%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79%. Tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 0,96%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85% do giá nhà ở thuê tăng 0,8%; giá nước sinh hoạt tăng 0,93%; giá gas tăng 7%...
Cùng xu thế tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% (làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm). Trong đó, lương thực tăng 3,28% (làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,48% (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47% (tác động làm CPI tăng 0,04 điểm phần trăm)…
Những tháng còn lại của năm 2023, trong khi lưu ý xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó phù hợp thì những ưu tiên cho tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Chính vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… thì việc theo dõi chặt chẽ thị trường, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng, dầu... cũng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để có biện pháp điều hành phù hợp.
Mặc dù vẫn còn không ít thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm song nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, nhận định sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế… chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đề ra những giải pháp ứng phó với sự quyết tâm và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.