Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực khơi thông vốn tín dụng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho toàn hệ thống lên gần chạm mức trần cả năm 14%. Quyết định này được cho là kịp thời, bám sát diễn biến kinh tế - xã hội hiện nay.

NHNN sẽ tiếp tục có các động thái quyết liệt giảm lãi suất để các ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế, tạo cầu tín dụng. Ảnh Việt Linh.
NHNN sẽ tiếp tục có các động thái quyết liệt giảm lãi suất để các ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế, tạo cầu tín dụng. Ảnh Việt Linh.

Chỉ tiêu đề ra là tăng trưởng tín dụng năm 2023 phải đạt từ 14 - 15%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại trên cả nước là 11%. Trong đó, cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng, dao động 8,3 - 13,5%.

Nhưng đến đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 4,73%, bằng 1/3 kế hoạch. Trong khi đó, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 11 năm ngoái. Tổng huy động tiền gửi đã tăng cao hơn dư nợ cho vay, sau nhiều năm mất cân đối. Hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động do áp lực huy động nhưng không cho vay ra được. Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa.

Hiện tại, ngoại trừ những ngân hàng lớn chưa dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, thì một số ngân hàng nhỏ và vừa đã gần hết room. Được biết, một số ngân hàng vừa qua kinh doanh trái phiếu DN khá nhiều, trong đó có cam kết mua lại nên giờ phải chừa lại hạn mức tín dụng để thực hiện.
Do đó, việc NHNN phân bổ hết hạn mức tín dụng 14% hay nói đúng hơn là giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay trong tháng 7 này là để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm.

Cùng với việc nới room, khả năng sắp tới NHNN sẽ tiếp tục có các động thái quyết liệt giảm lãi suất hơn nữa để các ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế, tạo cầu tín dụng.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ căn cứ diễn biến, tình hình thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận tín dụng ngân hàng; hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo NHNN, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Thực tế, các ngân hàng không tiết lộ con số cụ thể nhưng cho biết mức tăng tùy theo chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản của từng ngân hàng.
Song song với việc nới room tín dụng, NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính. Đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động…

Hoạt động kinh doanh của DN đang gặp nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng chính sách tài chính - tiền tệ của một số thị trường thay đổi. Theo đó, sức cầu sẽ tăng trưởng trở lại, hoạt động của DN có thể được cải thiện sẽ là tiền đề cho các ngân hàng đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.