Trong đó, số dư nợ xấu của 26/28 nhà băng đã tăng so với cuối năm rồi. Gia hạn Thông tư 02 có thực sự giúp ngân hàng xử lý nợ xấu hay chỉ để nợ xấu lại và xử lý sau? Còn thêm biện pháp nào để các ngân hàng xử lý nợ xấu?
Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng và có tới 2/3 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, vào cuối quý IV/2023, nợ xấu từng ghi nhận sự cải thiện đáng kể khi lần đầu tiên quay đầu giảm trong 8 quý liên tiếp. Thế nhưng, bước sang quý đầu năm nay, nợ xấu của các ngân hàng tái tăng trở lại.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nợ xấu của ngân hàng tăng không nằm ngoài dự báo khi lượng doanh nghiệp xin ngừng hoạt động để tái cấu trúc và lượng doanh nghiệp xin đăng ký phá sản tăng lên trong quý 1.2024.
"Rõ ràng đây là vấn đề chúng ta đã nhìn thấy trước và cũng đã lo lắng. Tuy nhiên nợ xấu tăng với mức cao như hiện nay thực sự cũng đang là một gánh nặng với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bởi vì ngoài nợ xấu của ngân hàng thì còn có cái nợ mà các doanh nghiệp nợ nhau, chưa có khả năng thanh toán. Vì vậy nó làm cho tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Trước tình hình đó, việc xử lý nợ xấu ở các ngân hàng cũng như nợ xấu trong nền kinh tế đang được các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra như một yêu cầu giúp nền kinh tế có thể hồi phục và tăng trưởng tốt. Một trong những giải pháp là đề xuất giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu của các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân cho đến hết tháng 12.2024.
Những yếu tố tác động khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, có thể kể đến như các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng nợ xấu sẽ vẫn rất áp lực trong năm nay.
"Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn, trong đó hệ thống ngân hàng đối diện với những khó khăn này. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện khá tốt những quy định của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước như tạm giãn hoãn, giữ nguyên nhóm nợ…cho doanh nghiệp. Chúng ta thấy nợ xấu đang gia tăng liên tục, tạo tổng thể một khoản nợ xấu khá lớn" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Do đó, cùng với chính sách giảm lãi suất, việc giãn, hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục. Chậm trả nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội vượt qua khó khăn. Giãn, hoãn nợ tức là khoản nợ vẫn còn, chỉ là chưa thu và doanh nghiệp vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới.
Tuy nhiên, để đề phòng khả năng gia tăng nợ xấu, ngân hàng phải giảm mục tiêu lợi nhuận. Vì với các khoản nợ được giãn, hoãn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: "Các tổ chức tín dụng cũng rất chủ động trong năm vừa qua, có nơi đã trích 70-75%, có nơi trích luôn 100%. Trong bối cảnh tiềm lực tài chính có phần tốt hơn, các ngân hàng đã chủ động trích lập rủi ro".
Trước những khó khăn mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, bên cạnh nới thời hạn, các ngân hàng cũng đề xuất mở rộng thời gian tính khoản vay được gia hạn. Bởi theo quy định, chỉ những khoản vay phát sinh trước thời điểm 24/4/2023 mới được cơ cấu nợ. Ngoài ra, cần có thêm hướng dẫn về cơ cấu nợ cho khách hàng phát sinh khoản vay tại nhiều ngân hàng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tpbank cho rằng Thông tư 02 cũng nên sửa đổi theo hướng có một chính sách chung cho tất cả các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ.
"Vấn đề là nếu một ngân hàng cơ cấu khoản nợ cho khách hàng nhưng ngân hàng khác không cơ cấu thì ở ngân hàng đó, khách hàng bị cơ cấu nên nhóm nợ xấu, như vậy các ngân hàng khác không cho vay, cơ cấu nợ được cho khách hàng đó, vậy cũng đề nghị NHNN có chính sách chung, hoặc sửa đổi thông tư 02 theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp" - ông Nguyễn Hưng nói.
Thực tế để đáp ứng nhu cầu về vốn và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các Ngân hàng thương mại được trích lập quỹ dự phòng trong những năm qua. Đến thời điểm này, các ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập quỹ dự phòng để có thể xử lý nợ xấu trong ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tới nay, các ngân hàng đã có thể biết được những doanh nghiệp nào có thể không trả nợ được, doanh nghiệp nào có thể vực dậy nếu như có thêm thời gian và thêm nguồn vốn. Vì vậy, bản thân các ngân hàng cũng cần chủ động xếp loại doanh nghiệp để có những biện pháp xử lý khác nhau.
"Đối với những doanh nghiệp có khả năng hồi phục thì ngân hàng vẫn có thể cho vay tiếp để doanh nghiệp tiến hành sản xuất, tái cơ cấu quá trình hoạt động để có khả năng trả nợ vay, lãi vay và thực hiện quá trình hồi phục tốt nhất.
Đối với những doanh nghiệp khả năng mất vốn hoặc khả năng thuộc nợ xấu nhóm 5 thì ngân hàng cần có khoanh nợ cũng như các biện pháp để có thể xử lý nợ khi mà thời điểm giãn hoãn nợ không nâng nhóm nợ xấu đến và cũng đến thời điểm các doanh nghiệp cần trả nợ" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Có thể nói, ngoài việc Ngân hàng nhà nước đề xuất gia hạn Thông tư 02 đến ngày 31/12/ 2024 thì bản thân các ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng đắn. Các chuyên gia cho rằng, cần nhìn thẳng vào con số nợ xấu thực tế và sau khi cơ cấu nợ, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình.