Vượt qua 327 nhà khoa học được đề cử, trong đó có 57 cá nhân được đề cử lần đầu tiên, chủ nhân của giải Nobel Y học năm nay đã thuộc về 3 nhà khoa học William Campbell (1930, Ireland), Satoshi Omura (1935, Nhật Bản) nhờ công trình nghiên cứu tìm ra hoạt chất Avermectin trong phòng chống bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng giun tròn gây ra. Trong khi bà Youyou Tu (1930, Trung Quốc) được tôn vinh nhờ công trình nghiên cứu, điều chế thuốc Artemisinin trong phòng chống bệnh sốt rét.
Cuộc cách mạng trong y học
Theo các thành viên của Ủy ban Nobel, những công trình điều chế Ivermectin Avermectin và Artemisinin của 3 nhà khoa học nhận giải Nobel năm nay đã tạo nên một cuộc cách mạng trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến ký sinh trùng, vốn xuất hiện chủ yếu tại các nước nghèo, đang phát triển. Trên website chính thức của Ủy ban Nobel, trong hàng ngàn lời chúc mừng trực tuyến của người dân trên khắp thế giới, hầu hết đều gửi tới các nhà khoa học lời cảm ơn chân thành vì họ đã góp phần cứu sống rất nhiều người. Chủ tịch của Ủy ban Nobel - bà Juleen Zierath cũng nhấn mạnh: Ngài Afred Nobel hẳn sẽ rất hài lòng với kết quả của giải Nobel Y sinh học năm nay bởi nhờ có những nhà khoa học tài năng này, hàng triệu sinh mạng đã được cứu sống.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có gần 1,4 tỷ người ở 73 quốc gia trên toàn cầu có nguy cơ nhiễm giun chỉ bạch huyết hay còn được gọi là bệnh phù chân voi và có hơn 120 triệu người đang nhiễm bệnh trong đó có 40 triệu người bị biến dạng và mất khả năng do bệnh gây ra. Vì thế, việc sử dụng Ivermectin Avermectin phối hợp với các loại thuốc khác trong điều trị đã giúp hàng chục triệu người thoát khỏi nguy cơ bị thương tật vĩnh viễn. Trong khi đó, với hơn 3,4 tỷ người trên toàn cầu có nguy cơ mắc bệnh sốt rét và gần 200 triệu người nhiễm bệnh mỗi năm, phác đồ điều trị với Artemisinin là thành phần chủ yếu đã giảm tỷ lệ tử vong tới hơn 20% ở người lớn và hơn 30% ở trẻ em. Riêng tại châu Phi, loại thuốc này đã cứu sống hơn 100.000 sinh mạng mỗi năm.
Những hy sinh thầm lặng
Với giải thưởng này, bà Youyou Tu trở thành nhà khoa học nữ thứ 12 là chủ nhân của giải Nobel Y học. Để được tôn vinh tại giải thưởng danh giá này, từ những năm 1967, bà Tu đã gửi cô con gái nhỏ ở nhà để rong ruổi khắp các địa phương của Trung Quốc nhằm tìm kiếm các loại thuốc chống sốt rét. Ngay cả khi cô con gái nhỏ không thể nhận ra mẹ mình, bà vẫn chấp nhận bởi để thực hiện được sứ mệnh của một nhà khoa học, hy sinh cuộc sống riêng tư là điều cần thiết, nhất là khi nạn nhân của bệnh sốt rét phần nhiều là trẻ em. TS Youyou Tu và các cộng sự đã mày mò chiết xuất được 380 hoạt chất từ 200 loại thảo mộc và cuối cùng Artemisinin được phân lập từ cây Thanh hao hoa vàng đã ra đời, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình điều trị bệnh sốt rét.
Kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1901, Viện Karolinska đã trao 105 giải Nobel Y học, trong đó có 207 cá nhân được tôn vinh. Nhà khoa học lớn tuổi nhất giành giải Nobel danh giá này là Peyton Rous (87 tuổi) cho công trình phát hiện virus gây ra bệnh ung thư. Nhà khoa học trẻ nhất giành giải Nobel là Frederick Banting (32 tuổi) nhờ công trình phát hiện insulin. Năm ngoái, nhờ phát hiện ra một hệ thống định vị, một kiểu “GPS nội tại” trong bộ não giúp con người có thể định hướng trong không gian, nhà khoa học Mỹ gốc Anh John O'Keefe cùng vợ chồng nhà khoa học Na Uy Evard I. Moser and May-Britt Moser được trao phần thưởng trị giá 1,11 triệu USD.
Theo kế hoạch, giải Nobel Vật lý được công bố vào hôm nay (6/10), tiếp đến là giải Hóa học (7/10), Văn học (8/10), Hòa bình (9/10), Kinh tế (12/10) sẽ kết thúc mùa giải Nobel 2015.