Món nợ hơn 500 tỷ đồng Cho đến nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng NTM với 201/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 52,07%). Bộ mặt nông thôn ngoại thành có nhiều khởi sắc rõ rệt. Tuy nhiên, chưa hết vui mừng với đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học được nâng cấp là nỗi lo của nhiều địa phương khi phải gánh trên vai món nợ XDCB. Một trong những địa phương có số nợ đọng XDCB lớn là huyện Quốc Oai. Tính đến hết tháng 1/2016, số nợ XDCB của các xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện lên tới hơn 272 tỷ đồng. Trong đó, 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nợ hơn 126 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm cho biết, phần nợ chủ yếu là thuộc các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng và giao thông thôn xóm.
Điều đáng nói là ngay cả với những xã điểm NTM, vốn được tập trung nguồn lực khá lớn để ưu tiên về đích trước cũng xảy ra tình trạng nợ đọng XDCB. Đơn cử như xã Thụy Hương (Chương Mỹ), một trong 11 xã điểm NTM của T.Ư dù đã đạt chuẩn NTM từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn nợ đọng hơn 30 tỷ đồng. Hay như xã Mai Đình (Sóc Sơn), một trong 3 xã điểm NTM của TP đến thời điểm đầu năm 2016 cũng còn nợ 20 tỷ đồng của 41 dự án. Đáng chú ý, có địa phương đã giải quyết xong lại phát sinh thêm khoản nợ mới. Điển hình như huyện Mê Linh, trong năm 2015, huyện đã xử lý xong số nợ gần 160 tỷ đồng theo đúng quy định. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tháng đầu tiên của năm 2016, khoản nợ đọng XDCB đã phát sinh thêm gần 18 tỷ đồng thuộc các dự án giao thông nông thôn của 3 xã Tráng Việt, Thạch Đà và Kim Hoa. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, tổng kinh phí nợ đọng XDCB thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của TP lũy kế đến 31/1/2016 là trên 547 tỷ đồng, chủ yếu thuộc ngân sách cấp huyện, xã. Con số này so với tổng nợ đọng XDCB của cả nước (15.212 tỷ đồng) cũng chiếm một phần đáng kể. Có lộ trình đầu tư phù hợp Theo kết quả kiểm tra cụ thể tại một số huyện như Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, nguyên nhân dẫn tới nợ đọng XDCB chủ yếu do ngân sách cấp huyện và xã chưa huy động, bố trí đủ để thanh toán khối lượng các dự án đào đắp giao thông, thủy lợi sau dồn điền đổi thửa. Bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, nguồn thu ngân sách cấp xã chủ yếu dựa vào nguồn bổ sung ngân sách cấp trên và đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi đó, thị trường bất động sản trầm lắng, khả năng thu tiền sử dụng đất không nhiều, cộng với huy động vốn từ DN và Nhân dân hạn chế đã dẫn tới nợ đọng XDCB. Một nguyên nhân khác là nhiều xã đã thực hiện một số nội dung trước chỉ đạo của TP như kiên cố hóa giao thông nội đồng, giao thông thôn xóm. Về nguyên tắc, khối lượng công việc các huyện, xã đã làm vượt, làm trước so với kế hoạch TP chỉ đạo không được coi là nợ thuộc ngân sách TP. Tuy nhiên, theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP, TP hỗ trợ sau đầu tư 80% kinh phí mua vật tư đối với công tác kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng và giao thông thôn xóm. Vì vậy, ngân sách TP vẫn phải có trách nhiệm hỗ trợ ngân sách huyện thanh toán khối lượng làm trước này. Để xử lý triệt để nợ đọng XDCB, nhiều địa phương kiến nghị TP bố trí đủ nguồn lực theo Quyết định 16 đối với các dự án hạ tầng giao thông nông thôn và giao thông, thủy lợi nội đồng. Ông Phạm Văn Khương – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị, đối với nợ đọng thuộc ngân sách TP, khi ngân sách TP hỗ trợ cho việc kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, các huyện, thị xã phải có trách nhiệm dành toàn bộ kinh phí thanh toán nợ XDCB. Khi thanh toán xong nợ mới được triển khai dự án mới. Đối với nợ thuộc trách nhiệm của ngân sách huyện, xã, cần rà soát lại toàn bộ các đề án xây dựng NTM và xây dựng lộ trình đầu tư cho phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Trong đó ưu tiên làm từ đồng vào làng và từ làng lên xã, chọn những nội dung công việc chưa cần tiền hoặc ít cần tiền để làm trước, tập trung trước hết cho hạ tầng phục vụ sản xuất…
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện |