Theo đó, số binh lính Mỹ ở Afghanstan trong năm 2015 sẽ ở mức cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Và như thế cũng có nghĩa là ông Obama rất khó có thể thực hiện được cam kết khi tranh cử là sẽ rút hết sạch binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình.
Vị Tổng thống này không thể không thấy cay đắng về triển vọng đó cho dù lại có thể hả hê với đề nghị của ông Ghani. Người tiền nhiệm của ông Ghani ở Afghanistan đã thúc ép Mỹ rút quân về nhanh chóng như có thể được và không chịu phê chuẩn Hiệp ước hợp tác an ninh với Mỹ làm cơ sở pháp lý cho việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Afghanistan từ sau năm 2014. Chính phủ Afghanistan đã phải xuống thang đáng kể khi chấp nhận những điều kiện của Mỹ cho hiệp ước này. Bây giờ, ông Ghani lại còn phải nài nỉ Mỹ hiện diện quân sự ở Afghanistan lâu hơn dự định.
Ông Ghani có lý do xác đáng của mình để làm việc ấy. Không có quân đội Mỹ ở Afghanistan, viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho Afghanistan, chính thể của ông Ghani không phải là đối thủ quân sự của Taliban và đất nước này sẽ trở nên không khác gì Iraq hay Libia hiện tại.
Ông Obama giờ lại có thêm bài học nữa về nói trước bước không qua. Tổng thống Mỹ tuyên cáo tham vọng làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân và thu về một Giải thưởng Nobel hòa bình, nhưng giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn dậm chân tại chỗ. Ông ta đề ra mục tiêu giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông giữa Israel và Palestin nhưng vừa đây đã tỏ ra thất vọng. Bây giờ ở Iraq và Afghanistan, ông Obama không thực hiện được những gì đã nói trước. Cũng phải thôi, Mỹ đã gieo gió thì không thể tránh khỏi gặp bão ở những nơi đó.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và tổng thống Obama bắt tay sau buổi họp báo ở Tòa Bạch Ốc, Washington, 24/3/2015
|