Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Nóng” cuộc đua Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị phần điện toán đám mây (cloud) tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn của các công ty công nghệ nước ngoài. Với các nhà cung cấp trong nước, thị phần chủ yếu thuộc về các công ty lớn như FPT, Viettel, VNPT, CMC...

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp

Thị trường trung tâm dữ liệu (TTDL) và cloud tại Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều DN trong và ngoài nước. Khi Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ về nội địa hóa dữ liệu có hiệu lực áp dụng với các DN nước ngoài, các DN công nghệ Việt Nam càng tăng cường thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đầu tư vào TTDL.

VNPT IDC Hòa Lạc cung cấp không giới hạn IP tĩnh, cổng kết nối với băng thông lớn ra Internet từ hàng trăm tới hàng nghìn Mbps. Ảnh: Tú Ân
VNPT IDC Hòa Lạc cung cấp không giới hạn IP tĩnh, cổng kết nối với băng thông lớn ra Internet từ hàng trăm tới hàng nghìn Mbps. Ảnh: Tú Ân

Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường TTDL Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,68% trong giai đoạn 2022 - 2028, dự kiến đạt 1,037 tỷ USD vào năm 2028.

Còn theo dữ liệu từ Bộ TT&TT công bố tại Diễn đàn kinh tế số 2023 cho thấy: Thị trường cloud Việt Nam đạt hơn 545 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán tăng lên 1.240 tỷ USD vào năm 2027 với mức tăng trưởng 17,9%.

Tuy nhiên, thị phần cloud tại Việt Nam phần lớn nằm trong tay các công ty công nghệ nước ngoài. Chiếm thị phần lớn nhất là AWS (33%), tiếp sau là Google (21%) và Microsoft (21%), các nhà cung cấp khác như Alibaba, Digital Ocean và Vultr chiếm tỷ lệ không đáng kể (3%). Thị phần của DN trong nước chỉ chiếm 21%. Với các nhà cung cấp trong nước, thị phần cloud cũng chủ yếu được phân chia bởi một số DN lớn như Viettel (25%), FPT (12%), CMC (15%), VNPT (10%), VC Corp (6%), các nhà cung cấp khác (22%).

Dữ liệu toàn cầu đang tăng theo cấp số nhân. Theo Statista, năm 2010, dữ liệu thế giới có 2 Zettabyte thì tới năm 2020 đã tăng lên 47 Zettabyte. Dự báo lượng dữ liệu sẽ tiếp tục tăng đến 175 Zettabyte vào năm 2025 và có thể đạt tới 2.142 Zettabyt vào năm 2035. Dữ liệu tăng khiến cuộc chạy đua xây dựng các TTDL trên thế giới ngày càng nóng. Các quốc gia hay những “gã khổng lồ” công nghệ đều mong muốn giữ vị trí tiên phong trong cuộc đua này. Đó là lý do họ không ngừng tìm kiếm những vị trí chiến lược để đặt các TTDL. Việt Nam được McKinsey nhận định là một trong những nơi như vậy. Đó là lý do thời gian qua, các “gã khổng lồ” công nghệ không ngừng đầu tư vào hạ tầng dữ liệu tại Việt Nam.

Cần chú trọng xây dựng trung tâm dữ liệu có chất lượng cao

Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển các TTDL và ứng dụng cloud là một trong những trọng tâm của chuyển đổi số, phù hợp với chiến lược phát triển nền kinh tế số, xây dựng quốc gia số.

Các DN công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các TTDL hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới. Đáng chú ý, năm 2022 có thể coi là một năm bùng nổ mạnh mẽ của thị trường TTDL Việt Nam với hàng loạt các TTDL mới được khai trương của các nhà cung cấp lớn như CMC, Viettel và VNG.

FPT Telecom đang xây dựng thêm TTDL tại Khu Công nghệ cao Quận 9, TP Hồ Chí Minh (4.500 rack).CMC Telecom cũng xây dựng TTDL tại Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh (3.000 rack). Viettel IDC mở rộng TTDL Bình Dương. Hanoi Telecom đang mở rộng TTDL tại Hòa Lạc, Hà Nội.

VNPT đã đầu tư nguồn lực cho ra đời TTDL thứ 8 của Tập đoàn với tên gọi VNPT IDC Hoà Lạc ra mắt ngày 25/10/2023 vừa qua, quy mô lên tới 2.000 racks. Đây là TTDL lớn nhất và hiện đại nhất của VNPT sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mang tính “may đo” của mọi phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế. VNPT IDC Hòa Lạc cung cấp số lượng không giới hạn IP tĩnh, cổng kết nối với băng thông lớn ra Internet từ hàng trăm tới hàng nghìn Mbps. Khách hàng có thể tùy chọn cấu hình máy chủ, chủ động quản trị từ xa hoặc trực tiếp không giới hạn.

Việc VNPT cho ra đời TTDL mới càng làm gia tăng sức nóng cho thị trường TTDL tại Việt Nam. TTDL này đã được cấp các chứng chỉ Uptime Tier III về thiết kế (TCDD), xây dựng lắp đặt thiết bị (TCCF) và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cấp chứng chỉ về vận hành (TCOS).

Trong xu thế ấy, thị trường Việt Nam còn thu hút sự quan tâm đầu tư rất lớn của các DN nước ngoài. Công ty Australia Edge Centres đã mở rộng sang châu Á bằng việc cộng tác cùng Đại học Quốc gia Việt Nam triển khai TTDL đầu tiên có tên EC51 tại TP Hồ Chí Minh. Công ty này cũng đang có kế hoạch cho một cơ sở bổ sung tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Quỹ đầu tư GAW Capital (Hồng Kông - Trung Quốc) đã mua lại khu đất xanh tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn tại TP Hồ Chí Minh để đầu tư TTDL mới dự kiến rộng hơn 18.000m2. Tập đoàn NTT Global Data Centres của Nhật Bản và Công ty Việt Nam Quang Dũng Technology (QD.Tek) đã cùng phát triển một TTDL mới đặt tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2024.

Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành “Digital Hub” của khu vực nên việc phát triển cácTTDL là nền tảng để ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế. Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn cho biết: “Bộ TT&TT cho biết đang trình Quốc hội ban hành Luật Viễn thông sửa đổi xây dựng hành lang pháp lý về TTDL. Đồng thời, Bộ cũng ban hành tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cho hạ tầng dữ liệu, cloud”.

Như vậy, ngoài việc mở thêm các TTDL, chúng ta còn phải tìm những giải pháp để các TTDL hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, góp phần hiện thực hóa khát vọng kiến tạo Quốc gia số.