ĐBQH: Cần quy định rõ về loại hình kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ; dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải đưa đón học sinh...

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đường bộ. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng trình Quốc hội cho ý kiến đồng thời tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ thống nhất về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai Luật nhằm điều chỉnh hai lĩnh vực quan trọng khác nhau nhằm tăng cường hiệu quả quản lý với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp giữa quy định của Luật Đường bộ với quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Bổ sung công trình ngầm gắn với công trình thương mại

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) phân tích, với xu thể phát triển công trình ngầm trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Đây là hình thái phát triển đô thị lấy phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng)

Đối với quy định ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và trạm sạc cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện. Đại biểu nhận thấy, đây là một trong những hoạt động đường bộ mang tính tích cực và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông giữ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường mà chưa gắn với hệ thống giao thông thông minh. Do đó, đại biểu cho rằng cần chỉnh sửa lại chính sách này để bảo đảm phát triển giao thông thông minh, bao trùm toàn bộ hoạt động đường bộ.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật nêu rõ về việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với sự mô tảo cụ thể từng hoạt động kinh doanh như vận tải hành khách, vận tải hàng hoá... Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ. Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)

Ngoài ra, đại biểu Thạnh Phước Bình cũng cho biết, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.

Hỗ trợ diện tích chuyển đổi trong hành lang an toàn đường bộ

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lược bỏ trong dự thảo luật các nội dung có liên quan đến Luật Đất đai; nội dung về tính thống nhất của với phần đất đai. Đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất bổ sung các chính sách về đất đai để phát triển công trình đường bộ trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến.

Về tính thống nhất với hệ thống quy hoạch, đại biểu Sùng A Lềnh cho biết, khoản 6 Điều 6 quy định: Quy hoạch đường tỉnh, đường huyện và đường khác thuộc hệ thống giao thông nông thôn được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch khác có liên quan. Tên các quy hoạch nêu tại dự thảo luật không có trong Luật Quy hoạch, do đó đề nghị điều chỉnh lại cho thống nhất.

Quang cảnh phiên họp sáng 24/11
Quang cảnh phiên họp sáng 24/11

Với quy định về phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông ở trên tuyến đường cao tốc cho nhà nước đầu tư, sở hữu quản lý khai thác tại Điều 45 và Điều 90, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại khí liên quan đến đường bộ.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, với quy định về “Đất hành lang an toàn đường bộ” hiện đang có vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đối với thửa đất có phần diện tích đất, nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc bổ sung thêm quy định theo hướng cho phép người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, mà chưa được Nhà nước thu hồi.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc, có chính sách hỗ trợ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất của người dân đối với diện tích nếu được chuyển đổi nằm trong hành lang an toàn đường bộ, một cách phù hợp. Từ đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa hai Dự thảo Luật, trong đó bao gồm Điều 122 Dự thảo Luật Đất đai và Điều 19 Dự thảo Luật Đường bộ.