Sản xuất nông nghiệp bị đảo lộn
Trời nắng nóng gay gắt khiến cuộc sống và sản xuất của nông dân đảo lộn. Đây là thời điểm nông dân bước vào cấy vụ Mùa. Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng, khiến công việc của người nông dân càng vất vả hơn. Để tránh nắng, thay vì đi làm ban ngày, người dân phải chong đèn đi cấy đêm; hoặc ra đồng từ 2, 3 giờ sáng để đi làm đất, nhổ mạ, cấy lúa những mong tránh cái nắng như đổ lửa.
Nhá nhem tối, khi mặt trời vừa lặn là lúc nhiều nông dân xuống đồng chăm sóc mạ, gieo cấy lúa |
Trên cánh đồng thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) dù đã 19 giờ tối nhưng không khí sản xuất vẫn khá tấp nập. Nhanh tay cấy những rảnh mạ non xuống ruộng, bà Nguyễn Thị Miu, thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn chia sẻ: “Thời tiết mấy hôm nay nắng nóng, oi bức quá nên phải đến 18 giờ tối tôi mới ra đồng cấy lúa. Tuy làm tối có vất vả nhưng bù lại cây mạ non được đảm bảo tỷ lệ sống cao, đặc biệt là tránh được cháy táp lá do nắng nóng".
Những thợ máy làm đất tất bật bừa ruộng khi trời bớt oi bức. |
Tất bật phun nước tưới cho những luống rau, ông Vũ Văn Hải, ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín cho hay, những ngày qua, không chỉ có gia đình ông mà hàng trăm bà con nông dân đều phải trở dậy đi làm từ sớm để tránh cái nắng lửa như thiêu đốt. “Dù đã có nhiều năm kinh niệm canh tác rau màu và quen với những đợt nắng nóng nhưng chưa khi nào chúng tôi bớt lo lắng mỗi khi thời tiết nắng nóng, oi bức kéo dài bởi không thể tránh khỏi tổn thất mùa màng” - ông Hải nói.
Nông dân xã Thư Phú (huyện Thường Tín) tưới rau 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. |
Cũng theo ông Hải, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở Thư Phú đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà màng, nhà lưới những mong giảm bớt sự ảnh hưởng bởi nắng nóng, mưa bão đối với rau màu.
Nắng nóng cũng làm đảo lộn công việc của người chăn nuôi. Hộ ông Trần Văn Năm, ở xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa hiện đang chăn đàn trâu, bò thịt hơn 100 con cho biết, thông thường, vợ chồng ông sẽ chăn thả bò ngoài đồng ngày 2 buổi sáng và chiều. Tuy nhiên, với nền nhiệt độ cao như hiện nay, gia đình ông được cán bộ thú y cơ sở khuyến cáo là không chăn thả gia súc. Do đó, ông nhốt đàn trâu, bò trong chuồng cho ăn thức ăn dự trữ và bổ sung chất điện giải qua nước uống.
Chi phí tăng, năng suất giảm
Trang trại khép kín nuôi 45.000 con gà đẻ của hộ anh Nguyễn Văn Lâm, ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai được đầu tư bài bản hệ thống chống nóng, làm mát. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng với nền nhiệt trên 40 độ C mấy ngày nay khiến năng suất đẻ trứng của đàn gà giảm khoảng 5%, cộng với chi phí nước điện giải, vitamin. Bên cạnh chi phí nước điện giải, vitamin đội lên, tiền điện của trang trại cũng tăng 20% so với trước do hệ thống quạt làm mát, phun sương chạy tối đa công suất trong nhiều ngày.
Bổ sung nhiều thức ăn xanh cho đàn bò. |
Lo lắng hơn cả là các hộ chăn nuôi bò sữa. Bởi, bò sữa rất nhạy cảm với thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nên dẫn đến giảm sản lượng sữa và dễ phát sinh bệnh cảm nắng, cảm nóng, hô hấp, thậm chí là phát sốt.
Hộ anh Vũ Văn Bảy, ở thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đang nuôi 30 con bò sữa chia sẻ: “Với những người chăn nuôi bò sữa thì giải pháp chống nóng đã thành nếp làm quen thuộc như tắm mát cho bò 2 lần (sáng, tối), cho bò uống điện giải bù nước, tăng đề kháng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tưới nước làm mát mái chuồng. Song do bò sữa chống chịu nắng nóng kém nên bò bị giảm lượng sữa khoảng 10 – 20% là điều không thể tránh khỏi”.
Cũng theo chia sẻ của các hộ chăn nuôi bò sữa, vài năm trở lại đây trên thị trường đã có loại thuốc chuyên dụng dành cho bò sữa mang tên “sữa không ngày” (nghĩa là bò uống thuốc nhưng không bị mất sữa và không ảnh hưởng chất lượng sữa) nên cũng vơi đi phần nào nỗi lo mỗi khi bò bị sốt do cảm nóng hay bị bệnh đường hô hấp. Và môi trường lý trưởng nhất vẫn là chuồng trại chăn nuôi được che mát bởi bóng cây xanh, vừa tốt cho sức khỏe của đàn bò, vừa giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Nhiều biện pháp sản xuất thích ứng với nắng nóng
Ðể gieo cấy lúa trong khung mùa vụ tốt nhất, hạn chế thiệt hại do nắng nóng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản khuyến cáo các địa phương: Đối với diện tích mạ còn non, gieo cấy trà mùa chính vụ, cần giữ mạ trên ruộng thêm vài ngày, khi nhiệt độ giảm, tiếp tục cấy và phải giữ nước sâu ngập chân mạ nhằm tạo lớp đệm bảo vệ bộ rễ non; giữ nước ngập mặt ruộng đối với các ruộng lúa đã cấy và chuẩn bị cấy. Người dân chú ý nhổ mạ đến đâu cấy hết đến đó, tránh đập hoặc rũ hết đất ở rễ mạ, nên xúc hoặc hớt mạ để cấy là tốt nhất.
Những khay mạ được bảo vệ, che chắn nắng trong nhà lưới tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa. |
Đối với đàn vật nuôi, các trang trại, nông hộ cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ vaccine cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Kinh nghiệm cho thấy nên bổ sung vào thời điểm sáng sớm sẽ là tốt nhất để con vật nâng cao sức đề kháng chống trọi và thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài trời. Có thể trộn thức ăn hoặc hoà nước cho con vật uống trực tiếp.
Với trâu, bò, bò sữa cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, một số thức ăn ủ chua đảm bảo cho con vật đủ no và tăng cường quá trình trao đổi chất thông qua tập tính nhai lại ở trâu bò. Riêng đối với bò sữa là con vật chịu nóng kém nên cần vừa bổ sung thức ăn thô xanh, các loại khoáng vừa kết hợp làm mát cho con vật.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo, những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Lưu ý trong chăn nuôi gia cầm, điều này rất quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh và các bệnh về hô hấp (mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 - 8 con/m2, với trâu bò đảm bảo 4 -6 m2/con). Nên cho trâu bò vận động nhiều vào buổi sáng sớm và chiều mát. Sau vận động tắm trải cho trâu bò, không tắm vào buổi trưa khi thời tiết đang nắng nóng dễ gây nguy hiểm làm cho vật nuôi bị cám nắng, cảm nóng.