Tuy nhiên, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân các huyện ngoại thành vẫn nô nức xuống đồng làm đất, gieo cấy vụ Xuân với kỳ vọng vào một mùa vụ bội thu.
Tập trung gieo cấy lúa Xuân
Mới hơn 7 giờ sáng ngày Mùng 4 Tết nhưng cánh đồng thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) đã có rất đông bà con nông dân xuống đồng làm đất, ngả mạ. Là địa phương có tập quán canh tác lúa Xuân muộn hơn so với các huyện, thị xã khác nên thời điểm này, nông dân huyện Sóc Sơn mới bắt đầu làm mạ. Như mọi năm, vụ Xuân 2017, gia đình cô Nguyễn Thị Quý (thôn Xuân Bách) gieo cấy khoảng 2 sào lúa. Cô Quý cho biết: Phải chuẩn bị mạ để kịp gieo cấy sau rằm tháng Giêng, bởi nếu để muộn hơn, sẽ trễ lịch thời vụ.
Xã Tam Đồng, huyện Mê Linh vốn là nơi thường gặp khó khăn về nguồn nước, chính vì vậy, từ trước Tết, bà con nông dân đã tích cực trữ nước vào đồng ruộng phục vụ gieo cấy lúa Xuân. Bà Bùi Thị Mão, thôn An Cư cho biết, ngay khi có nước, gia đình đã lắp máy bơm nước từ hệ thống kênh mương vào đồng ruộng để làm mạ. Gia đình bà Mão canh tác 5 sào lúa Xuân, dự kiến sẽ cấy và hoàn thành xong trước ngày 5/2. So với các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, Mê Linh hiện là huyện có tỷ lệ lấy nước, cũng như diện tích đã cấy thuộc nhóm cao nhất.
Từ sáng sớm Mùng 5 Tết, cánh đồng Dộc Cay, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất đã có khá đông người hối hả vào việc, người đắp bờ, người làm đất, người cấy lúa. Những thửa ruộng được bừa phẳng phiu, nổi trắng nước chẳng mấy chốc được phủ kín màu xanh của lúa mới cấy. Chị Hoàng Thị Ngân, thôn Đình Rối, xã Đại Đồng cho biết, dù mới ăn Tết xong nhưng từ 5 giờ sáng, nhà chị đã ra đồng nhổ mạ đi cấy cho kịp thời vụ. Không những thế, ngay trong 3 ngày Tết, vợ chồng chị vẫn phải cắt cử nhau tranh thủ ra đồng thăm mạ. “Năm nay, thời tiết ấm áp nên cấy lúa rất thuận lợi” – chị Ngân chia sẻ.
Cùng với xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, trong ngày hôm qua (1/2), tại các xã Tam Hiệp, Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, không khí ra quân sản xuất đầu năm mới cũng rất hồ hởi, tất bật. Gần 12 giờ trưa, chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp vẫn cố cấy nốt thửa ruộng đang cấy dở. Chị cho biết, năm nay nhiều anh em họ hàng cho ruộng nên diện tích cấy lúa Xuân của nhà chị lên tới 2 mẫu. Do đó, gia đình chị phải tranh thủ xuống đồng cấy lúa từ ngày Mùng 4 Tết, ruộng có nước đến đâu làm đất gieo cấy đến đó. Đến ngày hôm qua, nhà chị Hoa đã cấy được gần 1 mẫu ruộng.
Theo các hộ nông dân, những diện tích gieo cấy lúa thời điểm này chủ yếu là các giống lúa thuộc trà Xuân sớm như lúa nếp, lúa thơm. Yếu tố thuận lợi cho sản xuất vụ Xuân năm nay là thời tiết từ trong và sau Tết khá ấm áp nên cây mạ phát triển tốt, lúa mới cấy nhanh bén rễ, hồi cây. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích ruộng có nước đạt thấp hơn so với năm trước mặc dù đã qua hai đợt xả nước đổ ải.
Ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, trong những ngày Tết, 5 DN thủy lợi của Hà Nội vẫn tổ chức ứng trực, tích cực vận hành hệ thống trạm bơm để lấy nước. Đến nay, toàn TP có trên 45% diện tích ruộng đồng đã có nước, bà con nông dân nhiều địa phương đã tích cực xuống đồng làm đất, ngả mạ và gieo cấy. Đặc biệt sau hai ngày nghỉ Tết nguyên đán, tỷ lệ làm đất và gieo mạ đã tăng đáng kể so với tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân theo kế hoạch khoảng 98.000ha. Một số địa phương tiến độ gieo cấy đạt cao gồm: Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất…
Để không còn lo “mất giá được mùa”
Cánh đồng rau thôn Vân Trì (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) rất đông bà con nông dân hối hả chăm sóc, thu hái, vận chuyển rau xanh ra chợ bán. Đây cũng là một trong những vựa rau lớn, mỗi năm cung ứng trên dưới 100.000 tấn rau củ quả cho thị trường Hà Nội. Vừa nhanh ray rũ, rửa đất bám vào gốc rau, chị Bùi Thị San (thôn Vân Trì) vừa cho biết: Rau không giống vật nuôi, đến ngày là phải thu hoạch ngay chứ nếu rau héo úa rồi, bán không được giá! Cũng bởi vậy mà sau 3 ngày Tết, gia đình chị San đã tập trung thu hoạch gần 4 sào rau xanh. Điều đáng mừng là dịp cận Tết, giá rau xanh tăng cao, việc tiêu thụ cũng tương đối tốt.
Thời điểm trong và sau Tết, thời tiết khá thuận lợi giúp rau sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và rau xanh vẫn “được giá”. Điều này khiến hầu hết các hộ trồng rau xanh hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, do một lượng lớn người lao động các tỉnh về quê ăn Tết chưa trở lại Hà Nội nên một số hộ chuyên cung ứng rau xanh cho thị trường nội đô có phần chậm hơn. Những năm qua, người trồng rau trên địa bàn Hà Nội đã ít “mất ăn mất ngủ” hơn với nỗi lo thời tiết. Người nông dân đang ngày càng được trang bị nhiều kiến thức, cũng như khả năng vận dụng linh hoạt vào thực tiễn nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết tới sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết hộ trồng rau lại thường phải đối diện với điệp khúc “được mùa mất giá”. Mặt khác, đòi hỏi của thị trường đối với chất lượng nông sản thực phẩm nói chung, rau củ quả nói riêng cũng đang ngày một trở nên khắt khe hơn. Bởi vậy, nhiều bà con bày tỏ hy vọng, trong năm 2017, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực và sát sườn hơn từ các cấp, ban ngành chức năng, nhất là trong công tác khuyến nông và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây sẽ là điều kiện cần thiết để bà con tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản và yên tâm sản xuất.
Ước vọng trên những đồng hoa
So với bà con nông dân nói chung, những hộ trồng hoa trên địa bàn Hà Nội có lẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất trong suốt vụ hoa trước, trong và sau Tết. Thời tiết diễn biến thất thường khiến nhiều người “khóc - cười” với hoa. Nhưng đầu Xuân là thời điểm họ kỳ vọng vào những điều tươi mới hơn.
Ngày đầu Xuân, tại vùng hoa huyện Mê Linh, anh Nguyễn Văn Hợp thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh cho biết, gia đình trồng khoảng 8 sào hoa các loại. Vụ hoa Tết 2017, do thời tiết thay đổi thất thường nên lợi nhuận từ cây hoa không cao, thậm chí, nhiều hộ còn lỗ nặng. Sau 3 ngày Tết, vợ chồng anh tất bật xuống đồng thu hoạch số hoa còn lại trong vụ Tết để chuẩn bị đất trồng lúa Xuân. “Cũng may là ra Tết, hoa vẫn khá đắt nên cũng có thu nhập” - anh Hợp phấn khởi.
Ở huyện Mê Linh nhiều năm qua, những vùng đất cao hầu hết được người dân chuyển đổi sang trồng hoa. Trong khi tại một số diện tích thấp hơn, hàng năm vẫn duy trì trồng hai vụ lúa Xuân và lúa Mùa, thời gian còn lại trồng hoa, rau màu.
Tại một vùng hoa lớn khác của Hà Nội là quận Bắc Từ Liêm, nhiều bà con cũng tập trung thu hoạch số hoa còn sót lại từ vụ hoa Tết và chuẩn bị đất cho vụ hoa mới. Trên cánh đồng làng Đăm, chị Nguyễn Thị Tý (phường Tây Tựu) cùng chồng nhanh tay dọn dẹp nhà lưới trồng hoa ly, thu dọn những gốc hoa đã chết để làm đất. Vụ hoa Tết vừa qua, gia đình chị trồng 1,5 mẫu hoa ly. Nhưng bởi “trời không thương” nên gia đình chị Tý bị lỗ tương đối nặng. Nhưng chị bảo, thua keo này, mình bày keo khác!
Vào độ này, người trồng hoa đang rất tích cực chăm sóc cho hoa hồng các loại đang độ sinh trưởng với kỳ vọng sẽ thu lại được chút vốn liếng, lời lãi trong hai dịp Lễ tình nhân (Valentine - 14/2) và Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) sắp tới. Nhiều hộ trồng hoa chia sẻ, điều họ mong mỏi nhất vẫn luôn là “mưa thuận gió hòa”. Với người trồng hoa, ước vọng đó có lẽ còn lớn hơn rất nhiều, để những mùa hoa trong Xuân mới thêm tươi những nụ cười.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 6/2, các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ bước vào đợt lấy nước lần 3 phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2017. Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, đưa nước lên ruộng, tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ. Vụ Xuân 2017, toàn TP có kế hoạch gieo cấy khoảng 99.600ha. Theo thông tin từ Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), tính đến ngày 1/2, toàn TP đã gieo cấy được khoảng 10.000ha, đạt gần 10% kế hoạch. Diện tích đã cấy tập trung tại các huyện, thị xã như Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ… Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt cho biết, trong tháng 2, TP sẽ hoàn thành gieo cấy lúa Xuân 2017. (Ánh Ngọc) |