Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/12, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì đầu cầu Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN&PTNT. Đây là hội nghị quan trọng, có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các sở ngành tham dự hội nghị trực tuyến
Năm 2020, ngành NN&PTNT Hà Nội bước vào thực hiện kế hoạch với nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên diện rộng, dù từng bước đã được khống chế nhưng còn xuất hiện rải rác; bệnh cúm gia cầm H5N6; đặc biệt dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển của ngành...
Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, các giải pháp tăng đàn lợn; tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, trang trại, gia trại đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện sớm trong phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; xây dựng các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh…
Với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự vào cuộc tích cực của người dân Thủ đô, ngành NN&PTNT năm 2020 đã đạt được những kết quả nổi bật. Tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ một số ngành kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn TP ước đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019. 
Giá trị sản xuất bình quân đạt 280 triệu đồng/ha. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao và an toàn thực phẩm được chú trọng. Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất chăn nuôi quy mô lớn. 
Ước đến hết năm 2020, TP có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 13/18 huyện, thị xã (chiếm 72,2%), xã đạt chuẩn nông thôn mới là 370/382 xã (chiếm 96,6%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2019. Dự kiến đến hết năm 2020, TP phấn đấu đánh giá, phân hạng được khoảng 1.000 sản phẩm OCOP (trong đó riêng năm 2020 là 700 sản phẩm).
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì đầu cầu Hà Nội tham dự hội nghị trực tuyến
Năm 2021, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt từ 3% trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, TP kiến nghị Bộ NN&PTNT, các bộ ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các bộ ngành tiếp tục rà soát trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất.
Bên cạnh đó, hiện nay tại sông Nhuệ, sông Đáy, lòng sông bị bồi lắng. Về mùa khô hầu như không có dòng chảy, nước sông bị ô nhiễm nặng nề ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân sống hai bên bờ sông. Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư các dự án. Điển hình là cải tạo, nâng cấp trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến hết Hà Đông; nạo vét lòng dẫn sông Đáy từ xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đến Ba Thá; xử lý đảm bảo ổn định khu vực cửa sông Đuống...