Nông nghiệp một năm vượt khó

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, ngành NN&PTNT đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi vẫn còn sản xuất manh mún, hiệu quả thấp; sức cạnh tranh nông sản hàng hóa còn yếu, đặc biệt là tác động của dịch tả lợn châu Phi. Dù vậy, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sơ chế thịt lợn tại Công ty CP thực phẩm Song Đạt. Ảnh: Thanh Hải
Hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu 
Năm 2019, ngành NN&PTNT đề ra 4 mục tiêu trọng tâm về xuất khẩu, che phủ rừng, xây dựng nông thôn mới và tăng trưởng GDP. Đến nay, 3/4 chỉ tiêu nêu trên đã hoàn thành và vượt kế hoạch. Nhờ làm tốt công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất khẩu năm qua ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại ghi nhận mức cao kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).
Tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 41,85%. Đến nay, cả nước có 4.806 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (chiếm 54% tổng số xã), hoàn thành mục tiêu 10 năm (2010 – 2020) trước 1,5 năm. Ngoài ra, có 8 tỉnh, TP hiện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn.
Chỉ tiêu ngành nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm là tăng trưởng GDP với 2,2%. Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn cả nước thiệt hại gần 6 triệu con, kéo tăng trưởng toàn ngành giảm khoảng 1,1%.
Mặc dù vậy, đến nay tại nhiều tỉnh, TP, dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Các địa phương cũng tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm, góp phần ổn định giá cả thị trường và chỉ số giá tiêu dùng...
Thống kê cho thấy, so với năm 2018, trong năm 2019, sản lượng nhiều ngành hàng chăn nuôi đều tăng mạnh. Đơn cử như: Thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn (tăng 15%); trứng gia cầm tăng 12% (tương ứng 1,4 tỷ quả); gia súc lớn tăng 4,2% tổng đàn...
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu
Tuy đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục. Đó là tái cơ cấu nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở nhiều tỉnh, TP. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá nhiều nông sản chủ lực giảm; công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016 – 2020), Bộ chủ trương, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực.
Khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam.
Để thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực chất, hiệu quả trong bối cảnh và yêu cầu mới, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cân đối bố trí nguồn lực thực hiện đúng quy định của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2019, cả nước thành lập mới 2.756 DN nông nghiệp, nâng tổng số DN trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 12.581 DN. Một số tập đoàn, DN lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như TH, Vinamilk, Nafoods, Dabaco, Masan… Đặc biệt, trong năm qua, có 17 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến với tổng vốn trên 20.000 tỷ đồng đi vào hoạt động.
Năm 2020, ngành NN&PTNT đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 – 3%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 42 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 59%...