Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/10, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 36 Ngày Lương thực thế giới với chủ đề “Sản xuất lương thực và nông nghiệp phải thay đổi do biến đổi khí hậu”.

Theo đánh giá của FAO, ở quy mô toàn cầu, biến đổi khí hậu gây ra thách thức rất lớn đối với an ninh lương thực và tác động trực tiếp đến sinh kế, đời sống của nhóm người nghèo nhất.

 Chuyển đổi từ đất lúa sang trồng đu đủ cho thu nhập cao tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng

Theo dự báo, dân số thế giới sẽ lên tới 9,6 tỷ người vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu lương thực, nông nghiệp cũng như hệ thống thực phẩm không những phải có khả năng chống chịu tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn mà còn phải tăng cường đổi mới, sáng tạo cả về quy trình công nghệ, thực hành sản xuất tốt trong mọi khâu của chuỗi giá trị nông sản.

FAO cho rằng để các quốc gia “không còn người đói” phải thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu, cần phải thay đổi 7 lĩnh vực liên quan đến lương thực và sản xuất nông nghiệp. Đó là trồng trọt, tổn thất sau thu hoạch và lãng phí thực phẩm, hệ thống thực phẩm, ngư nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và tài nguyên thiên nhiên.

Chủ đề Ngày Lương thực thế giới năm nay đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam. Do thiên tai, lần đầu tiên sau 30 năm, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm, đặc biệt sản lượng lúa bị sụt giảm nghiêm trọng. Năm nay, Ninh Thuận là địa điểm được lựa chọn để tổ chức Lễ Kỷ niệm ngày Lương thực thế giới. Trong đợt hạn hán vừa qua, Ninh Thuận là một trong các tỉnh bị thiệt hại nặng về trồng trọt, chăn nuôi và đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.

Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai. Những dự báo cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cho nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ này. Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Trưởng Đại diện của FAO Việt Nam JongHa Bae cũng khẳng định, FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thích ứng, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hiện FAO đang nỗ lực trợ giúp nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và người sống ở rừng tăng cường năng lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và tư vấn cách lồng ghép các thực hành thích ứng với biến đổi khí hậu vào chính sách quốc gia.

Sau Lễ kỷ niệm, đoàn đại biểu của FAO và Bộ NN&PTNT đã đến thăm mô hình trình diễn về quản lý cây trồng tổng hợp đối với ngô lai trên đất lúa ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một trong những địa điểm thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật của FAO, do Chương trình chung của Chính phủ và Liên Hợp quốc về dinh dưỡng và an ninh lương thực tài trợ.