Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản ùn ứ, Việt Nam đưa 19 doanh nghiệp sang Hoa Kỳ tìm cơ hội hợp tác thương mại

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 24 - 29/2/2020, Đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn sang Hoa Kỳ để tăng cường hợp tác, trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước.

Tham gia đoàn công tác có 19 doanh nghiệp và 1 hiệp hội, thuộc 5 nhóm sản phẩm gồm: Ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi; sản phẩm thịt, sữa, thủy sản; rau quả; các sản phẩm gỗ, và hóa chất, phân bón.
Theo chương trình công tác, đoàn sẽ tập trung khảo sát nguồn cung nông sản của Hoa Kỳ, ưu tiên nhập khẩu nông sản, công nghệ từ Hoa Kỳ phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp thúc đẩy thương mại các sản phẩm nông lâm thủy sản và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước.
 Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng tăng cường hợp tác thương mại nông sản với Hoa Kỳ
Bên cạnh đó, đoàn cũng sẽ tìm hiểu khả năng thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát triển các chuỗi sản xuất trong nước và làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước.
Theo Bộ NN&PTNT, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Trong quan hệ thương mại, xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng trưởng ổn định từ 9,35 tỷ USD năm 2017 lên 14,37 tỷ USD năm 2019, tăng trên 53% sau 2 năm. Riêng với sản phẩm quả tươi, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam đã tăng từ 210 triệu lên 304 triệu (tăng 51%).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT luôn coi trọng và ưu tiên hợp tác khoa học, kỹ thuật, thương mại và đầu tư với các đối tác Hoa Kỳ, nhất là về mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Bộ đặt mục tiêu nâng tổng giá trị dự kiến lên khoảng 3 tỷ USD, tương đương trên 9 triệu tấn các sản phẩm (ngô, lúa mỳ, khô đậu nành, bột bã ngô…) trong thời gian tới.