Thời gan rút ngắn chẳng được bao nhiêu, nhưng sự nóng vội đó đang gây nguy hiểm cho người khác khi rất dễ tạo ra va chạm giao thông.
Điệp khúc “vội”Tùy vào các nút giao thông mà các cơ quan chức năng sắp xếp thời gian chờ đèn đỏ, nút nhỏ từ 15, 30 giây, nút lớn khoảng 45, 60 thậm chí 99 giây. Nước ta cũng như các nước khác, đèn tín hiệu gồm 3 màu xanh - đỏ - vàng, việc giáo dục tín hiệu đèn đã được đưa vào ngay từ bậc học tiểu học. Nhưng điều này không song hành với ý thức chấp hành nghiêm chỉnh tín hiệu đèn, đặc biệt tại 2 thời điểm: Vắng người qua lại và giờ cao điểm, ai cũng ngại phải chờ hơn 2, 3 nhịp đèn nên thường bất chấp ào theo dòng xe phía trước.
Nghịch lý là dù đèn đang đỏ, nhưng chỉ cần một người tăng ga, thì lập tức số người còn lại tăng ga theo như thể hội chứng đám đông. Chính kiến của người tham gia giao thông phụ thuộc vào… số đông, chứ không nằm ở ý thức chủ quan của người cầm lái. Tuy nhiên, nếu có 2 cảnh sát giao thông đứng chốt ở ngã tư, hiếm xe nào dám vượt đèn đỏ. Chuyện buồn nhất mà truyền thông từng phản ánh là một cậu nhóc ngồi trước xe hỏi bố: Bố ơi, đèn đỏ mà sao bố lại chạy? Nếu muốn nuôi lớn thế hệ tiếp nối một cách văn minh, thì thế hệ làm gương như cha mẹ chúng phải là người tiên phong.
|
Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ tại nút giao Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng |
Bản thân đèn tín hiệu sinh ra là để phân làn tại các ngã tư, ngã ba, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Thế nhưng, hiệu quả ngược sẽ xảy ra nếu các dòng xe luôn sẵn sàng tăng ga khi đèn đỏ nhấp nháy 10 giây. Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra tại các nút giao thông có đèn tín hiệu. Người lái xe tuy không phải “vượt đèn đỏ” nhưng cố nhanh để khỏi phải đợi thêm nhịp nữa và không may va chạm với xe cũng đang vội vì chờ quá lâu. Những lúc đó lái xe thường ít quan sát, đi tốc độ cao, khiến các vụ tại nạn càng thêm thương tâm. Ngoài ra, tình trạng cố vượt đèn đỏ còn gây ra ùn tắc giao thông, chỉ cần một chiếc ô tô dài qua giao lộ mà đèn xanh đã hết, các dòng xe khác sẽ ngay lập tức ùa tới làm chiếc xe chết cứng giữa giao lộ, ùn tắc hàng giờ liền.
Sớm thay đổiHành vi vượt đèn đỏ là vi phạm luật giao thông và đã có chế tài xử phạt thích đáng. Nhưng trong nhiều trường hợp “vớt đèn” “đi trước, đi vội” lại rất khó để xử phạt nhất là tại các giao lộ lớn, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức chấp hành nghiêm chỉnh tín hiệu đèn của người lái xe.
Hậu quả thì đã rõ, nhưng để thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức không phải là điều dễ. Người ta thường nói tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, những người nuôi dưỡng và giáo dục chính là những người đóng vai trò vẽ lên đó. Muốn có một thế hệ tuân thủ văn hoá giao thông, hãy vẽ lên đó một bức tranh đẹp. Biện pháp hữu hiệu nhất chính là giáo dục để xây dựng văn hóa chờ đèn đỏ. Theo quán tính, hầu như ai cũng cho xe chạy khi mới đèn vàng. Vì lẽ đó, nên đi sâu giáo dục: Khi đèn xanh xe mới được lăn bánh, đèn vàng chỉ là để người lái xe chuẩn bị và quan sát xung quanh, tuyệt nhiên không được cho xe đi.
Khi đi tới các giao lộ, ít nhất 30m người lái xe phải quan sát tín hiệu đèn, nếu như thấy đèn xanh còn dưới 5s thì hãy chủ động giảm tốc độ và đứng chờ đèn đỏ, không nên cố vượt. Trong quãng thời gian và khoảng cách đó, vừa đủ để lái xe dừng trước vạch khi đèn chuyển màu, đảm bảo khoảng cách an toàn cho người lái. Vào giờ cao điểm, dòng xe đang ùn ùn thì người lái xe cũng luôn phải quan sát tín hiệu đèn, nếu đã báo đèn đỏ và xe đã đi qua vạch ngăn thì hãy đi tiếp, còn nếu khoảng cách xe và vạch dưới 5m mà đèn chuyển sang màu vàng, hãy giảm tốc và dừng chờ trước vạch.
Ngoài ra, tại các giao lộ nên sử dụng loa tuyên truyền về tuân thủ nghiêm ngặt đèn tín hiệu, tăng cường treo các khẩu hiệu như “Không vội đèn đỏ - chứng tỏ văn minh”, “Không vớt đèn xanh, đúng người thanh lịch”, “Đèn vàng là để sẵn sàng”, “Đèn tín hiệu giao thông – người anh hùng vô hình”, “An toàn của bạn – niềm vui của gia đình bạn”... Đồng thời, linh động treo các hình ảnh về hành vi vượt đèn đỏ gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc hoặc những con số thống kê cụ thể số tai nạn do vượt đèn tín hiệu tại các điểm công cộng như nhà chờ xe buýt, nhà văn hóa phường, xã, tổ chức các lớp học ngoại khóa cho học sinh, thi kể chuyện an toàn giao thông cho học sinh tiểu học.