Luật là ngành học thú vị
Trong quan niệm của nhiều người, ngành Luật luôn khô khan với những quy định, điều khoản được "đóng đinh" bằng câu chữ thì Tống Thị Phương, 1 trong 96 Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học thuộc TP Hà Nội năm 2023 lại thấy Luật là một trong những ngành thú vị bậc nhất khi có thể nhìn sự vật, hiện tượng và các tình huống của cuộc sống theo cách riêng.
“Các bạn học sinh, sinh viên hãy lấy ví dụ về tình huống gửi xe hàng ngày. Nếu một bạn đến trường, lao vào nhà xe rồi vội vàng nói với bác bảo vệ: “Bác ơi, cháu gửi cái xe” rồi đi không lấy vé. Giả sử khi quay lại, chiếc xe đó đã biến mất thì câu chuyện này giải quyết thế nào?”.
Chia sẻ về câu chuyện phổ biến và gần gũi này, Phương gợi mở: “Cùng là tình huống trên, dưới góc nhìn pháp lí và cách giải quyết bằng pháp luật sẽ vô cùng khác. Đây chính là sự thú vị của ngành Luật”.
Nữ Thủ khoa Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Ngành Luật khô khan hay không phụ thuộc vào cách học và cách tiếp cận của mỗi người. Nếu chỉ học thuộc rồi áp dụng thì sẽ thấy nó khô khan. Ngược lại, học bằng tư duy, nhất là tư duy đa chiều sẽ thấy nó thực sự thú vị. Cá nhân em, ngay từ đầu chọn ngành Luật, em luôn thấy ngành Luật thú vị".
Thừa nhận mình dần yêu ngành Luật qua những bộ phim, những cuốn tiểu thuyết nhưng Phương cũng đúc rút được rằng: Không có công thức học tập nào áo dụng cho tất cả. Mỗi người phù hợp, lựa chọn một phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, để học có hiệu quả, mỗi người cần đặt cho mình mục tiêu phấn đấu và luôn giữ được nhiệt huyết để có năng lượng bước tiếp.
“Trước đây em thích nghiên cứu. Em đặt mục tiêu mình phải nghiên cứu và kết quả là em đã có bài nghiên cứu đăng tạp chí quốc tế. Nếu thích làm gì, bạn hãy cố gắng để trở thành phiên bản mà mình mong muốn trong tương lai"- Phương nói.
Gia đình là động lực
Sinh ra trong gia đình thuần nông, Tống Thị Phương đã có những năm tháng vô cùng khó khăn; đã từng làm rất nhiều nghề để mưu sinh, để đảm bảo cuộc sống tại Hà Nội. Có những giai đoạn vất vả, nữ sinh ngành Luật chỉ ngủ mỗi đêm chỉ 3-4 tiếng đồng hồ khiến cô thực sự mệt mỏi. Mỗi lần như vậy, Phương lại nghĩ về gia đình, về mục tiêu của bản thân để khôi phục năng lượng và nghĩ rằng, khó khăn chỉ là những viên đá, hòn sỏi nhỏ bé, không thể cản được bước chân nếu chúng ta muốn bước tiếp.
“Bố mẹ thường nói với em rằng: “Con là tài sản lớn nhất của bố mẹ”. Câu này đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bố mẹ đã vất vả, lo lắng cho em ăn học, không có lí do gì để em ỉ lại, lùi bước, không có lí do gì để em không vươn lên”- Phương chia sẻ.
Để cân bằng giữa việc học, việc làm, các hoạt động xã hội, Phương đã rèn luyện cho bản thân khả năng sắp xếp công việc và tính kỷ luật cao với phương châm giờ nào việc nấy. Phương cũng không quên những sở thích cá nhân như: Yoga, chạy bộ, nghe nhạc... để rèn luyện sức khỏe và cân bằng cuộc sống. Bên cạnh đó, Phương còn tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc thi, các hoạt động xã hội.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất quãng đời sinh viên của Phương là ghi danh tại cuộc thi Phiên tòa giả định cho sinh viên Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Luật – ĐH Huế và Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh; phiên tòa giả định Vmoot cấp Trường ĐH Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022 với vai trò thẩm phán, luật sư và đều giành giải Nhất.
“Trước khi thực hiện vai trò thẩm phán, em không nghĩ lại khó đến vậy và khi bắt tay vào làm, lên phiên toà giả định để xét xử mới thấy đây là công việc khó hơn mình nghĩ rất nhiều. Thẩm phán phải theo dõi mọi tình tiết, diễn biến của phiên toà, đồng thời phải nắm chắc luật để có thể đưa ra những phán quyết chính xác. Ngay cả việc điều phối phiên toà như thế nào cũng là một nghệ thuật để 2 bên có thể tranh luận qua lại, đưa ra quan điểm thuyết phục” – Phương bày tỏ.
Hiện Phương đã ra trường và làm cho một công ty luật. Trong tương lai, đảng viên trẻ, Thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Luật- ĐH Quốc gia Hà Nội Tống Thị Phương mong muốn đi du học để mở mang, nâng cao kiến thức, từ đó đóng góp sức mình mang lại công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội.