Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nung nấu Bảo tàng lịch sử 1.000 năm khoa cử

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh của gần lịch sử 1.000 năm khoa cử ở Việt Nam mới được tái dựng một phần tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chiều 5/3.

Lần đầu tiên, cuộc hội ngộ mang chủ đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong tư liệu thế giới”, được giới thiệu đến công chúng từ triển lãm lần này như là tín hiệu vui cho Bảo tàng Khoa cử Việt Nam trong tương lai.
Đi từ khoa cử đầu tiên

Chỉ với 30 tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được chắt lọc trong khối tư liệu di sản thế giới đồ sộ, triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng khoa cử đầu tiên (năm 1075), kỳ thi trạng nguyên đầu tiên và những khoa thi của những nhân vật hiền tài trong lịch sử Việt Nam như: Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An… Đặc biệt, tài liệu triển lãm thể hiện sự hình thành lên nơi được mệnh danh là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam: Văn Miếu – Quốc Tử Giám. “Một khoa thi được hoạt động, kéo dài như thế nào? Tính nghiêm ngặt của khoa thi được thể hiện qua từng quy chế, quy định và lời răn của vua… - là những điều mà 7 phiên bản Mộc bản, 40 giá trưng bày 56 nội dung tài liệu của 3 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam nhắc đến” – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng cho biết.
Triển lãm ''Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới'' thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Ảnh: Nam Khánh
Tài liệu Châu bản sẽ nhấn vào khoa cử thời Nguyễn ở giai đoạn coi trọng giáo dục Nho học. “Bức tranh thi cử dưới triều vua Minh Mạng, định kỳ 3 năm luân phiên tổ chức thi Hương, thi Hội và thi Đình sẽ thể hiện trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn” – bà Nguyễn Thu Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Lưu giữ quốc gia I nhấn mạnh. Tài liệu khoa cử Mộc bản, Châu bản sẽ gắn chặt với nội dung bia đề danh các tiến sĩ và các nhà khoa bảng tiêu biểu được lưu giữ ở bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cho dù, các tài liệu di sản thế giới đã từng được công bố, giới thiệu ở nhiều triển lãm nhưng đây là lần đầu tiên có một triển lãm chắt lọc mang chủ đề khoa cử xưa để giới thiệu đến công chúng.

Lưỡng lự nên chưa thành

Việt Nam với lịch sử 1.000 năm khoa cử, cái nôi của nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao qua từng thời kỳ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử khoa cử bị đứt đoạn từ năm 1919 đến nay. Tuy nhiên, công chúng ngày nay đều mơ màng về bức tranh khoa cử xưa ấy. Khoa cử được nhắc đến trong không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội hoặc ở Huế và một vài nơi khác là lời thuyết minh trên nền những di sản vật thể còn sót lại. Công chúng khó mà cảm thấy khoa cử sống động bằng hình ảnh.

Có một thời, Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng từng nung nấu ý định tái dựng Bảo tàng Khoa cử Việt Nam nhưng đến nay chưa thể thực hiện. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không chỉ có Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hoặc địa điểm của ngành giáo dục cũng cần tái dựng lại không gian thi cử này để nhắc về một thời kỳ hưng thịnh của giáo dục xưa. Lịch sử khoa cử có từ nghìn năm nhưng khoa thi cuối cùng cách chúng ta hơn 100 năm nên tiếp cận và phục dựng về khoa cử là không khó. Nguồn tư liệu từ thư tịch, từ ký ức và so sánh với các nước Đông Á trong khu vực… giúp chúng ta có đủ căn cứ phục dựng Bảo tàng Khoa cử Việt Nam. Nhưng rất tiếc, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết, cho đến nay chưa có đơn vị nào liên hệ với Trung tâm để gợi ý về việc tái dựng Bảo tàng Khoa cử Việt Nam, dù Mộc bản triều Nguyễn sở hữu rất nhiều nguồn tư liệu khoa cử. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời kỳ đầu có thể chưa tái dựng hoàn toàn, mà tái dựng theo từng phần, từng nhân vật. “Có làm thì có sai, và có sai thì có sửa, còn hơn là ngồi lưỡng lự để đánh mất một di sản quý” – nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.