Nước ngọt đóng chai tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì dấy lên mối lo ngại, hoang mang của người dân khi đã trót cho con sử dụng sản phẩm này.

Theo các chuyên gia y tế, không chỉ nước ngọt nhiễm chì mới gây hại cho cơ thể, mà tất cả các loại nước ngọt có ga, nước giải khát đóng hộp đều tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.

Còi xương, suy dinh dưỡng

Kết quả Điều tra về sức khỏe học sinh dựa vào trường học ở Việt Nam năm 2013 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ học sinh từ 13 - 17 tuổi uống nước có ga từ một lần trở lên trong ngày đến 31%. Theo PGS. TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đến nay, tỷ lệ này không giảm xuống mà ngày càng có xu hướng tăng lên. Đây thực sự là mối lo cho thế hệ tương lai của đất nước.
Nước uống C2, Rồng Đỏ đang bị người tiêu dùng tẩy chay vì nhiễm chì.
Nước uống C2, Rồng Đỏ đang bị người tiêu dùng tẩy chay vì nhiễm chì.
PGS.TS Lê Bạch Mai giải thích, nước ngọt có ga là loại thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh, nhưng lại cực nghèo vi chất dinh dưỡng do nước ngọt chứa nhiều đường. Trẻ tiêu thụ càng nhiều nước ngọt có ga, đồng nghĩa với nạp không ít lượng đường đôi, đường đơn vào cơ thể. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đường đôi, đường đơn chỉ nên chiếm không quá 5% năng lượng trong một ngày của mỗi người. Không chỉ nguy hiểm ở việc nạp nhiều đường mà trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. “Chế độ ăn hàng ngày của trẻ hầu hết vẫn chưa đáp ứng được lượng canxi cần thiết, lại thêm uống nhiều nước ngọt có ga khiến việc đào thải canxi nhanh càng khiến trẻ thiếu canxi, dẫn đến còi xương. Do đó, những trẻ này không phát triển nhiều về chiều cao, nhưng cơ thể lại phát tướng vì sử dụng nhiều đường mỗi ngày gây béo phì” - PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, nước ngọt có ga cũng có nhiều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì trong lúc vừa ăn vừa uống, nước ngọt sẽ làm giảm dịch vị trong dạ dày gây kém hấp thu. Mặt khác người sử dụng còn có cảm giác đầy bụng, no ngang nên ăn ít hơn. Chính vì vậy, nếu trẻ uống trước bữa ăn 2 giờ sẽ biếng ăn, về lâu dài dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đối với người có bệnh lý loét dạ dày, tá tràng, trong nước ngọt có ga chứa CO2 khi vào dạ dày gặp a-xít sẽ sản sinh ra khí CO2 làm tăng áp lực của dạ dày.

Nguy cơ mắc tiểu đường

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hiện tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Tình trạng béo phì ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khỏe của trẻ. “Trẻ em với thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ, uống nước giải khát, nước ngọt có ga, lại lười vận động là một trong những nguy cơ đe dọa đái tháo đường. Đặc biệt, đáng báo động là đã xuất hiện đái tháo đường týp 2 ở trẻ” - PGS.TS Lê Bạch Mai nói.

Đối với phụ nữ có thai, việc sử dụng các loại nước ngọt khi mang thai cũng ảnh hưởng xấu cho sức khỏe sản phụ và cả thai nhi. Bác sĩ Trần Thị Nga – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, để thai nhi phát triển khỏe mạnh, sản phụ cần bổ sung thêm rất nhiều dưỡng chất thông qua thực phẩm hằng ngày. Nếu uống nước ngọt gây đầy bụng sẽ phải cắt giảm bớt những thực phẩm dinh dưỡng khác và bỏ qua lượng vi chất quan trọng này. Với hàm lượng đường khá cao, nước ngọt là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm mức cân nặng của sản phụ tăng nhiều trong thai kỳ. Tăng cân khi mang thai khiến thai phụ phải đối mặt với tiểu đường thai kỳ.

Với những ảnh hưởng sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên hạn chế uống nước ngọt có ga để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cùng các biến chứng nguy hiểm của nó.