Vì thế, nuôi dưỡng và mở rộng các nguồn thu là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành thuế Hà Nội trong những tháng cuối năm và là mục tiêu lâu dài bảo đảm nguồn thu bền vững.
Số thu từ khu vực
DNNN đạt thấp
Ông Hà Minh Hải - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm, Sở cùng các cơ quan liên quan đã đánh giá kỹ tình hình thực hiện thu ngân sách năm 2016, dự báo các khó khăn, tiếp tục duy trì và thực hiện quyết liệt Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng ngân sách, rà soát các nguồn thu. Nhờ các giải pháp quyết liệt này, công tác thu ngân sách đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoại trừ các khoản thu từ khu vực DNNN T.Ư, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu đều có kết quả thực hiện khả quan. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất đạt gần 66% dự toán, thuế thu nhập cá nhân đạt hơn 50% dự toán thu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt khá...” - ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là nguồn thu từ một số khu vực vẫn đạt thấp. Cụ thể, các khoản thu từ khu vực DNNN T.Ư chỉ đạt 26,5% so với cùng kỳ, tương đương hơn 14.900 tỷ đồng. Nguyên nhân là do hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN chưa đạt như dự kiến, vẫn phải bù lỗ vào các năm trước. Một số DN lớn có số thuế thu nhập DN năm 2016 chuyển nộp khi quyết toán vào quý I/2017 giảm so với cùng kỳ như Vietel giảm 650 tỷ đồng, BIDV giảm 134 tỷ đồng, Vietcombank giảm 205 tỷ đồng, SCIC giảm hơn 450 tỷ đồng... Bên cạnh đó, năm 2017, do thay đổi thuế suất thuế thu nhập DN giảm từ 22% xuống 20%, do đó số thuế thu nhập cá nhân năm 2016 nộp trong quý I/2017 giảm 550 tỷ đồng. Trong đó, thu từ tiền sử dụng đất đạt cao ở mức 65,8% dự toán. Trong khi đó, 6 tháng cao so với dự toán do có phát sinh một số đơn vị nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất 50 năm như VietinBank 275 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long thực hiện 625 tỷ đồng...
Tạo nguồn thu bền vững
Tại Hội nghị giao ban của UBND Hà Nội 6 tháng đầu năm mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, địa phương... cần chú trọng nuôi dưỡng và mở rộng các nguồn thu, tạo nguồn thu bền vững. Chủ tịch UBND TP Hà Nội dẫn ví dụ của quận Nam Từ Liêm, trong 6 tháng đầu năm, quận này đã hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao, tuy nhiên, số thu từ tiền sử dụng đất vẫn là chủ yếu. “Nếu chỉ chú trọng thu tiền sử dụng đất thì có thể, 3 - 5 năm tới sẽ hết nguồn thu. Vì thế, các đơn vị liên quan, các địa phương... cần quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ, tháo gỡ và tạo thuận lợi cho DN và các thành phần kinh tế khác phát triển sản xuất kinh doanh. DN khỏe, người nộp thuế khỏe thì nguồn thu ngân sách mới bền vững được” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, đồng thời cũng yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tổ chức các giải pháp đảm bảo đạt mục tiêu thu ngân sách; Đôn đốc thanh quyết toán cho các công trình xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, tăng giải ngân vốn xây dựng cơ bản; chủ trì liên ngành xây dựng đề án giá trông giữ ô tô, xe máy. Sở TN &MT cần tiếp tục đôn đốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục tập trung giải quyết triệt để các kiến nghị của DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phấn đấu đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ thi công công trình, tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - DN, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kích cầu tiêu dùng,...
6 tháng đầu năm, số chi ngân sách địa phương của Hà Nội ước thực hiện 26.883 tỷ đồng, đạt 34,4% dự toán, tăng 16,6%; trong đó chi đầu tư phát triển 11.185 tỷ đồng, đạt 33,4% dự toán, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016, chi thường xuyên 15.687 tỷ đồng, đạt 37,3% dự toán. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản tuy có tăng so với năm trước nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, trong đó một số đơn vị tỷ lệ giải ngân còn thấp. |