Vì vậy, thành công bước đầu của mô hình liên kết từ nuôi trồng đến tiêu thụ thủy sản do Chi cục Thủy sản Hà Nội thí điểm triển khai năm 2018 được xem như là một trong những giải pháp hữu hiệu cho tồn tại trên.
Hướng đi đúngHà Nội là địa phương có nhiều lợi thế phát triển NTTS. Vài năm gần đây, nhờ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho ngành NTTS trên địa bàn TP phát triển mạnh, tăng cả quy mô sản xuất lẫn sản lượng. Tuy nhiên, song hành cùng quá trình phát triển này, ngành thủy sản Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đầu tiên phải kể tới nguy cơ mất ATTP thủy sản do ô nhiễm nguồn nước và thói quen sử dụng thuốc phòng bệnh cho thủy sản tùy tiện của người dân.
|
Anh Thuật xã Phương Tú, Ứng Hòa đang chăm sóc cá tại gia đình. Ảnh: Phương Nga |
Khó khăn tiếp theo của ngành là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Hiện kênh tiêu thụ chính của người dân chủ yếu vẫn là bán buôn cho thương lái. Sản xuất không dựa trên nhu cầu của thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá”. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng đối với thủy sản nước ngọt chủ yếu là tươi sống nên các sản phẩm qua sơ chế, chế biến còn ít được quan tâm. Ngoài ra, vấn đề dịch bệnh, thiên tai... cũng là khó khăn lớn của người NTTS.
Để khắc phục hạn chế này, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất trong NTTS. Sau 9 tháng triển khai, hiện mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu cho hiệu quả cao, tạo sự phấn khởi cho người dân. Theo chia sẻ của các hộ tham gia mô hình, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, nên trong suốt quá trình nuôi, cá sinh trưởng và phát triển nhanh. Ngoài ra, quá trình sản xuất có sự giám sát, lấy mẫu phân tích định kỳ của cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội nên sản phẩm đảm bảo ATTP, quy trình sản xuất rõ ràng, minh bạch đã giúp nâng cao giá trị sản xuất từ 20 - 25% so với cách làm truyền thống. Sản phẩm được kết nối với các DN tiêu thụ, qua đó giúp người nuôi yên tâm về đầu ra.
Cần nhân rộngNhững lợi ích mà mô hình liên kết NTTS mang lại sẽ là cơ sở để hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, phát triển NTTS bền vững. Do vậy, phát triển theo chuỗi liên kết sẽ là xu hướng tất yếu của ngành thủy sản Hà Nội. Thời gian tới, TP cần có những chính sách ưu tiên, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cần có chính sách khuyến khích nông dân phát triển mô hình NTTS theo chuỗi liên kết, từng bước chuyển dần từ nuôi trồng nhỏ lẻ sang sản xuất chuyên canh tập trung. Tăng cường công tác truyền thông về tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Mô hình NTTS theo chuỗi liên kết là một mũi tên trúng nhiều đích, giải quyết triệt để những bất cập của ngành NTTS hiện nay. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm thủy sản, mô hình thí điểm trên quy mô nhỏ... nên chưa phát huy hết hiệu quả. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên mô hình liên kết NTTS được triển khai trên địa bàn TP nên cần có những đánh giá, rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức sản xuất nếu mở rộng quy mô.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, ông Sơn cho biết: Chi cục sẽ tiếp tục đề xuất với Sở NN&PTNT, TP hỗ trợ nhân rộng quy mô triển khai mô hình tại các địa phương có nhiều diện tích NTTS tập trung; TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trang thiết bị cho các cơ sở kinh doanh, điểm bán các mặt hàng thủy sản tươi sống cũng như đã qua sơ chế, chế biến.