Ô nhiễm làng nghề tái chế chất thải ở Hà Nội

Bài, ảnh: Hà Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề tái chế chất thải trên địa bàn TP mặc dù được cảnh báo từ lâu, các cấp chính quyền, ban ngành ráo riết đã vào cuộc, nhưng đến nay, tình trạng vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Nguyên do chủ yếu vẫn là nhận thức của người dân chưa cao, còn đặt mục đích kinh tế lên trên lợi ích của cộng đồng.
Phế liệu tập kết vô tội vạ
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số làng nghề tái chế như Triều Khúc (Thanh Trì), Trung Văn (Nam Từ Liêm) và Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), rác thải sản xuất được tập kết khắp mọi nơi, từ nhà xưởng đến đường giao thông, thậm chí cả ruộng đồng… gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong khu vực.
 Rác thải, phế liệu được chất đầy ở vỉa hè tại thôn Triều Khúc (Thanh Trì).
Tại làng nghề nhựa Trung Văn, các cơ sở sản xuất nằm ngay trong khu vực dân cư, sát với nhà dân. Còn ở làng nghề Triều Khúc, mặc dù các cơ sở tái chế lớn đều được đưa ra ngoài khu dân cư, nhưng những bãi tập kết thu mua phế liệu vẫn tràn lan trên vỉa hè. Phế liệu sau khi được phân loại, xay rửa không có hệ thống sấy cũng được phơi khô trực tiếp ven đường.
Nhìn chung, quy trình sản xuất của hai làng nghề này vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải tập hợp được cơ sở phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô), không có hệ thống sấy mà được phơi khô ngoài trời và đưa vào thùng chứa tạo hạt. Đáng nói, trong quá trình hoạt động nước thải phát sinh không qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Anh Nguyễn Văn Tuyển – người dân làng Triều Khúc cho biết: “ Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chất đầy phế liệu từ nhựa, rác thải sản xuất trong nhà, đổ bừa bãi ra vỉa hè, đồng ruộng… Nước ở kênh mương, ao hồ luôn đen kịt, xen lẫn mùi hóa chất, mùi nước thải chưa qua xử lý rất nồng nặc, khó chịu, nhất là vào những hôm trời nắng, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân chúng tôi.”
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, là do nhận thức của người dân chưa cao, nhiều người vẫn đặt mục đích kinh tế lên trên lợi ích của cộng đồng. Cùng với đó, do sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu các hệ thống xử lý nước thải, khí thải khiến ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế ngày càng nghiêm trọng.
Cần kiên quyết xử lý vi phạm
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải, Sở TN&MT Hà Nội cho biết đã đưa ra một số đề xuất giải pháp kỹ thuật. Trong đó, về vấn đề xử lý nước thải, đối với từng hộ gia đình, có thể xây một hố ga lắng sơ bộ các chất lơ lửng nhằm giảm lượng bùn ở cống rãnh thoát nước chung. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải được dẫn ra là các ao hồ tự nhiên. Người dân có thể tận dụng các ao hồ để xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.
Về xử lý khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các cơ sở tái chế nhựa, cần lắp đặt hệ thống quạt thông gió trong các nhà xưởng sản xuất và sau đó cần được loại bỏ ô nhiễm hữu cơ bằng tháp than hoạt tính trước khi xả và môi trường.
“Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Một khi, người dân làng nghề tái chế chất thải hiểu được những tác hại trong sản xuất gây ra với chính họ và cộng đồng, buộc họ sẽ thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền sở tại, kiên quyết xử lý vi phạm thì mới mong đảm bảo môi trường sống cho người dân nơi đây” - đại diện Sở TN&MT Hà Nội nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, kết quả khảo sát tại các làng nghề tái chế nhựa cho thấy, nồng độ hơi khí ô nhiễm hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể: Bụi trong không khí dao động trong khoảng 0,45 - 1,33mg/m3, vượt TCCP 0,5 - 4 lần. Hàm lượng THC đo được ở khu vực các bãi rác của làng nghề tái chế nhựa là 5,36mg/l vượt TCCP 1,16 lần.