Ngày 10/1, ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho biết, trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang làm mọi cách để khiến người kế nhiệm ông gặp khó khăn trong việc nối lại đối thoại với Nga.
“Gói trừng phạt mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt Nga đã thể hiện rất rõ điều này. Đồng thời, lệnh cấm vận này cũng dẫn đến một vòng xoáy leo thang mới trong cuộc chiến trừng phạt của Mỹ đối với Nga” - ông Slutsky nói với hãng tin Tass khi bình luận về lệnh trừng phạt chống Moscow vừa được Washington thông qua trong tuần này.
Theo nghị sĩ Nga, quyết định mới nhất của Washington cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới tăng kỷ lục trong tuần này.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích việc Tổng thống Biden thông qua một loạt lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào lĩnh vực dầu và khí đốt của nước này.
“Một số người để lại dấu ấn trong lịch sử, trong khi những người khác chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ" - bà Zakharova cho hay.
Hôm 10/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một vòng trừng phạt “rộng rãi” đối với Nga, được áp dụng với sự phối hợp của Anh. Các biện pháp này nhắm vào 2 nhà sản xuất dầu lớn là Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cũng như các công ty con và đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm và vận tải của họ.
Hơn 20 ông ty con của các công ty này cũng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt. Ngoài ra, hơn 180 tàu được cho là dùng để vận chuyển dầu của Nga bất chấp các hạn chế của phương Tây, mà Mỹ mô tả là “hạm đội bóng tối”, cũng bị trừng phạt.
Gói trừng phạt xuất hiện chưa đầy hai tuần trước khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc.
Giá dầu thế giới nhảy vọt gần 3% trong phiên giao dịch ngày 10/1, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2024 do các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung sẽ bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt mở rộng.
Theo đó, giá dầu Brent tăng 3,69%, lên mức 79,76 USD/thùng, trong khi dầu WTI cộng 3,58%, lên mức 76,57 USD/thùng.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng chục ngàn lệnh trừng phạt theo nhiều đợt đối với Nga kể từ năm 2014. Số lượng các biện pháp hạn chế kinh tế đã tăng đột biến sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Vào tháng 12/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, chiến dịch trừng phạt của phương Tây là vô ích và vô nghĩa, vì Nga đã thành công trong việc chống lại sức ép và "không có hành vi tống tiền hay nỗ lực nào từ bên ngoài cản trở Moscow sẽ mang lại kết quả".
Ông Trump tiết lộ về cuộc gặp trong tương lai với ông Putin
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết bản thân đang nỗ lực sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Putin trong thời gian sớm nhất.
"Ông ấy muốn gặp. Và chúng tôi đang sắp xếp", ông Trump cho biết trước khi có cuộc họp với các thống đốc đảng Cộng hòa tại khu dinh thự Mar-a-Lago hôm 9/1.
Tổng thống đắc cử Trump lưu ý về việc đã "giao tiếp rất nhiều" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác sau khi đắc cử. Nhưng ông vẫn chưa nói chuyện với Tổng thống Nga Putin.
"Nhưng Tổng thống Putin muốn gặp. Ông ấy đã nói điều đó ngay cả trước công chúng, và chúng ta phải kết thúc cuộc chiến đó. Đó là một mớ hỗn độn đẫm máu", ông Trump nói về cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong nhiều năm khi nắm quyền ở Nhà Trắng, ông Trump đã bị đảng Dân chủ chỉ trích về mối quan hệ với Tổng thống Putin, với cáo buộc "quá thân thiện và dễ dãi với người đứng đầu Điện Kremlin”.
Tổng thống đắc cử Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, đã chỉ trích việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden viện trợ vô điều kiện cho Kiev. Ông Trump đã cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến ngay khi lên nắm quyền và tuyên bố sẽ nhanh chóng buộc Nga và Ukraine phải khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump không tiết lộ lộ trình rõ ràng cho hòa bình, nhưng các phương tiện truyền thông đưa tin rằng nhóm của ông đang cân nhắc việc đóng băng xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại.