Tờ Politico đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã không đồng ý với ý tưởng của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về việc cử các huấn luyện viên phương Tây đến huấn luyện lực lượng Kiev ở Ukraine.
Theo một bài báo đăng ngày 7/6, Tổng thống Biden “bày tỏ lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra khi gửi quân NATO đến một quốc gia mà họ có thể rơi vào tình thế nguy hiểm, có khả năng làm leo thang xung đột”.
Một số phương tiện truyền thông trước đó đưa tin Tổng thống Pháp Macron đang cố gắng thành lập một liên minh gồm các quốc gia phương Tây, mục đích cử các giảng viên NATO đến Ukraine để giúp huấn luyện lực lượng nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực rà phá bom mìn và bảo trì thiết bị.
Chính quyền Paris chưa chính thức xác nhận hay phủ nhận các kế hoạch trên. Ông Macron tuyên bố không bình luận về “các quyết định vẫn chưa được đưa ra”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tuyên bố “không có điều cấm kỵ” trong việc cử huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, đồng thời tiết lộ rằng các giảng viên Pháp đã huấn luyện khoảng 10.000 quân Ukraine cả ở Pháp lẫn tại lãnh thổ các quốc gia láng giềng.
Các quốc gia thành viên NATO ở khu vực Baltic như Lithuania và Estonia đã ủng hộ ý tưởng này và sẵn sàng cử chuyên gia quân sự tới Ukraine.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, một số quốc gia NATO đã “huấn luyện bộ binh” ở Ukraine nhưng không nêu cụ thể quốc gia nào.
Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Aleksander Syrsky thông báo, ông đã hoàn tất thủ tục giấy tờ cho phép các giảng viên quân sự Pháp đến thăm và sử dụng các cơ sở đào tạo của Ukraine.
Nghị sĩ cấp cao Ukraine Aleksey Goncharenko cũng tuyên bố nhóm chuyên gia quân sự đầu tiên của Pháp đã trên đường đến nước này.
Gần đây, trong bối cảnh Nga giành ưu thế trên chiến trường, Anh, Mỹ, Pháp và một số thành viên NATO khác đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, các nước này vẫn đặt ra những giới hạn nhất định để tránh xung đột leo thang vượt kiểm soát. Chính quyền Berlin và Paris chỉ cho phép Kiev tấn công mục tiêu quân sự mà Nga dùng để phóng tên lửa, pháo kích vào Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây tuyên bố, Ukraine sẽ không được dùng vũ khí của Mỹ để tấn công vào thủ đô Moscow của Nga. "Chúng tôi không cho phép tấn công sâu 200 dặm (hơn 300km) trong lãnh thổ Nga và không cho phép tấn công vào thủ đô Moscow và Điện Kremlin" - ông Biden nêu rõ trong cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình ABC News hôm 6/6.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp có thể khiến phương Tây tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột hiện tại. Tuy nhiên, khả năng xảy ra đụng độ trực tiếp với Nga vẫn rất thấp, theo Tổng thống Mỹ.
Về phần mình, Moscow khẳng định, động thái này của phương Tây là nguy hiểm và có thể kéo theo xung đột toàn cầu.
Nga nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ lưc lượng quân đội nước ngoài nào tham chiến tại Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu tấn công hợp pháp của Moscow, bất kể họ đến từ đâu, là binh lính hay giảng viên quân sự.
Trong bài phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF)hôm 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, các quyết định của phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do họ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga là một bước leo thang nghiêm trọng. Ông Putin cho rằng những vũ khí như vậy sẽ phải được điều khiển bởi các hệ thống, quân nhân phương Tây.
Tổng thống Putin cho biết, Nga đang xem xét các biện pháp đáp trả những nước phương Tây viện trợ quân sự cho Kiev vì quân đội Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công lãnh thổ nước này.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, khi các quốc gia phương Tây cung cấp cho Kiev đạn tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga, Moscow có thể đáp trả bằng cách cung cấp vũ khí tương tự cho các lực lượng nước ngoài để tấn công những người ủng hộ Kiev.