Tổng thống Donald Trump đã tạo nên "cơn sóng" khi đăng tải trên trang Twitter cá nhân một thông báo liên quan đến Nhà lãnh đạo Iran Hassan Rouhani, chỉ vài phút trước 7h sáng ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tổng thống Hassan Rouhani vừa trở thành ''nhân vật chính'' trong một thông báo mới nhất của Tổng thống Donald Trump, giữa bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ - Iran đang tăng cao. Ảnh: Getty Images |
“Mặc dù nhân được yêu cầu nhưng tôi không có kế hoạch gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Có lẽ một ngày nào đó trong tương lai. Tôi chắc chắn ông ấy là một người đàn ông hoàn toàn đáng mến!”, ông Trump viết, trái ngược hoàn toàn với những lời lẽ thù địch không ngừng hướng về phía lãnh đạo Iran từ trước tới nay được đưa ra bởi Trump và đội ngũ của ông.
Đại sứ của Iran tại LHQ đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh: "Iran chẳng yêu cầu bất cứ cuộc họp nào".
Đáng chú ý, trong một cuộc gặp với báo giới trước đó vài giờ, ông Trump cũng tuyên bố cứng rắn khi được hỏi về khả năng diễn ra một cuộc gặp song phương với Iran: “Tôi sẽ không gặp họ cho đến khi họ thay đổi luận điệu của mình. Điều đó sẽ xảy ra. Tôi tin rằng họ không có sự lựa chọn. Chúng tôi mong muốn có một mối quan hệ tuyệt vời với Iran nhưng nó sẽ không xảy ra ngay bây giờ".
Các nhà phân tích cho rằng thông điệp từ cái tweet sáng sớm của Trump là ông đang tìm kiếm một sự cải thiện quan hệ cá nhân với ông Rouhani, cũng như cách ông đã làm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó.
"Giống như cách ông Trump từng làm với Nhà lãnh đạo Bắc Triều, ông đang cố gắng để thiết lập một mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Rouhani", Randa Slim - Giám đốc giải quyết xung đột tại Viện Trung Đông nhận định, “tuy nhiên điều Trump không hiểu là trong trường hợp của Iran, Rouhani không phải là người ra quyết định về việc có nên đàm phán với Mỹ hay không. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei mới là người quyết định".
Hồi tháng 5 năm nay, Trump đã bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015 với Iran, hay còn gọi là Chương trình hành động toàn diện chung (JCPOA), bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu, Nga và Trung Quốc - các bên đồng ký kết thỏa thuận. Vấn đề này trở thành một trong những vết cứa sắc nhọn nhất vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.