Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump “ép” EU phải mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ra ‘tối hậu thư’ EU phải mua dầu và khí đốt Mỹ, nếu không thì ông sẽ áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ khối này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AA
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AA

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đe dọa Liên minh châu Âu (EU) bằng thuế quan nếu EU không giảm được 'khoảng cách thương mại khổng lồ' với Mỹ thông qua việc mua dầu khí.

"Tôi đã nói với EU rằng họ phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ với Mỹ bằng cách mua dầu mỏ và khí đốt của chúng tôi với số lượng lớn. Nếu không, chỉ có cách áp thuế quan!!!" – ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm 20/12.

Theo số liệu của Mỹ, hàng hóa nhập khẩu từ EU là 553,3 tỷ USD vào năm 2022, trong khi hàng hóa xuất khẩu sang khối này là 350,8 tỷ USD. Điều này khiến thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU là 202,5 tỷ USD trong năm 2022.

Trả lời câu hỏi về cảnh báo đánh thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người phát ngôn của EU Olof Gill cho hay khối gồm 27 quốc gia này sẵn sàng đàm phán, lưu ý rằng Mỹ cũng được hưởng "thặng dư thương mại dịch vụ đáng kể so với EU".

"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống đắc cử Trump về cách chúng tôi có thể củng cố thêm mối quan hệ vốn đã bền chặt, trong đó bao gồm cả việc thảo luận về lợi ích chung giữa Mỹ và EU trong lĩnh vực năng lượng", ông Gill phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trong tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất với Tổng thống đắc cử Trump rằng Mỹ có thể cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU để thay thế năng lượng của Nga.

EU đã tăng mạnh việc mua dầu và khí đốt của Mỹ sau khi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine và cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu hiện ở mức khoảng 2 triệu thùng/ngày, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.

"Châu Âu đang gần đạt công suất tối đa đối với dầu thô của Mỹ, nghĩa là có rất ít khả năng nhập khẩu mạnh hơn vào năm tới" – chuyên gia dầu mỏ Richard Price tại Energy Aspects cho biết. Ông lưu ý  thêm rằng việc đóng cửa các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vào năm 2025 sẽ không giúp tăng lượng nhập khẩu.

Mỹ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 2,9 tỷ mét khối mỗi ngày. Vào năm 2023, châu Âu chiếm 66% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ, trong đó Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức là những điểm đến chính.

Một số nhà phân tích nói rằng lời đe dọa tăng thuế của ông Trump có thể là tuyên bố khoa trương, hoặc là nỗ lực nhằm tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.

Trong khi đó, ông Trump đã liên tục nhấn mạnh rằng thuế quan "được sử dụng hợp lý" sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ. "Thuế quan sẽ làm cho đất nước chúng tôi trở nên giàu có", ông Trump nói với các phóng viên tại dinh thự của ông ở bang Florida trong tuần này.

EU đã chuẩn bị gì để đối phó chính quyền Trump 2.0?

EU đã bắt đầu chuẩn bị cho một chiến dịch thương mại mạnh mẽ từ Mỹ kể từ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua. Kinh nghiệm từ năm 2017, khi ông Trump áp thuế lên thép và nhôm châu Âu với lý do an ninh quốc gia, đã khiến EU phải thay đổi chiến lược.

EU đã cải tiến chính sách thương mại và xây dựng các công cụ mới để đối phó với các biện pháp cưỡng ép. Ví dụ, công cụ chống cưỡng ép mới của EU cho phép EC áp thuế hoặc thực hiện các biện pháp trừng phạt khác để đáp trả các hành động chính trị hóa thương mại.

Bên cạnh đó, quy định về trợ cấp nước ngoài cũng được áp dụng, giúp ngăn chặn các công ty nhận hỗ trợ không công bằng từ nhà nước tham gia các hợp đồng công hoặc các thương vụ mua bán trong EU.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh sau một cuộc họp G7 ở Italia cuối tháng 11 rằng EU đã sẵn sàng ứng phó với những thay đổi từ chính quyền mới của Mỹ. Bà Baerbock tuyên bố: "Nếu chính quyền mới của Washington tiếp tục chính sách 'Nước Mỹ trên hết' trong các lĩnh vực khí hậu hay thương mại, thì phản ứng của chúng tôi sẽ là 'Châu Âu đoàn kết'".

Điều này thể hiện rõ quyết tâm của EU trong việc đối phó với chính sách cứng rắn từ Mỹ, đồng thời bảo vệ lợi ích thương mại và an ninh của khối.

Hồi đầu tháng này, EU đã ký kết một thỏa thuận thương mại lớn với 4 quốc gia Nam Mỹ, gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do với 700 triệu khách hàng.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, thỏa thuận này sẽ xây dựng những cây cầu thương mại khi "những cơn gió mạnh đang thổi theo hướng ngược lại, hướng tới sự cô lập và phân mảnh", phát ngôn được cho là có liên quan đến việc ông Trump dọa tăng thuế.

Những mâu thuẫn về chi tiêu quốc phòng và thâm hụt thương mại khiến quan hệ Mỹ-EU trở nên căng thẳng hơn. Ông Trump từng chỉ trích Brussels, nơi đặt trụ sở của EU, là một "địa ngục trần gian" và đe dọa NATO nếu các thành viên không đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng.