Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump phát 1.000 USD/người cũng không đủ cứu kinh tế Mỹ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia lập luận, kế hoạch của chính quyền Washington về việc gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ - một phần của gói kích thích khẩn cấp lên tới 1,2 nghìn tỷ USD để ngăn chặn tác động kinh tế từ Covid-19, không đủ khả năng ngăn chặn suy thoái kinh tế của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các giám đốc ngành du lịch, khách sạn Mỹ hôm 17/3 tại Nhà Trắng.
Kế hoạch được công bố hôm 17/3, khi Tổng thống Trump kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua những khoản hỗ trợ tiền mặt ngay lập tức cho các gia đình Mỹ.
"Chúng tôi không muốn mọi người mất việc và không có tiền để sống", ông Trump nói trong cuộc họp tại Nhà Trắng, cho biết thêm rằng gói kích thích sẽ được phát triển lớn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, với việc các DN đóng cửa trên toàn quốc do đại dịch lan rộng, người Mỹ "cần tiền mặt ngay bây giờ": "Chúng tôi đang xem xét gửi séc cho người Mỹ... trong 2 tuần tới".
Việc kích thích có ý nghĩa trong việc bổ sung các tài khoản ngân hàng trong bối cảnh nhiều DN phá sản, nợ lương, và cuối cùng được tin sẽ giúp phục hồi kinh tế. Nhưng theo một số nhà phân tích nói với Bloomberg, ngay cả với các biện pháp mạnh bạo như vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể tránh khỏi sự thu hẹp.
Matthew Luzzetti - nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Deutsche Bank AG nhận định, rất khó để nước này tìm ra một gói có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế vào thời điểm này, khi xét đến quy mô của cú sốc mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt.
Các nhà phân tích kinh tế của Pantheon hay Oxford trước đó đều đã dự báo về sự lao dốc kỷ lục - khoảng 10% - trong quý II của Mỹ. Cuộc suy thoái được tin đã bắt đầu khi doanh số bán lẻ giảm vào tháng 2, trong khi nhiều DN Mỹ đã bắt đầu cắt giảm nhân sự.
CNN và Bloomberg đồng thời dẫn nguồn tin xác nhận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã cảnh báo các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng đại dịch Covid-19 có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 20% - nghĩa là gấp đôi điểm tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Kích thích tài khóa là một khởi đầu tốt nhưng phải được làm mạnh hơn nữa", Josh Bivens, giám đốc nghiên cứu tại Viện chính sách kinh tế chuyên tập trung vào người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình, nói, "tôi nghĩ 1.000 USD là không đủ. Hoặc chúng ta cần 1-2 lần như vậy trong suốt cuộc khủng hoảng".
Ông Bivens cho rằng, sự thu hẹp của GDP và bảng lương là không thể tránh khỏi, vì quốc gia cần kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bằng phương thức hạn chế xã hội, buộc phải tạm thời đóng cửa các địa điểm tập trung như nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, không phải người Mỹ cứ nhận được tiền là họ sẽ chi tiêu ngay lập tức, trong khi chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ.
Ước tính, việc cung cấp 1.000 USD cho mỗi người lớn và 500 USD cho mỗi đứa trẻ tại Mỹ sẽ tiêu tốn tổng cộng khoảng 300 tỷ USD. Tuy nhiên, thông báo về kế hoạch của ông Trump mới chỉ là bước đầu, khi mà các quỹ vẫn phải được Quốc hội chấp thuận.
Tuy nhiên chuyên gia Luzzetti lưu ý: "Dù chi phí cuối cùng của kích thích tài khóa có thể là bao nhiêu, thì nó là phù hợp nhất lúc này, đặc biệt là vào thời điểm mà chi phí đi vay đang ở mức thấp kỷ lục đối với chính phủ Mỹ".