Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump sẵn sàng ra tòa vào ngày mai (3/4)?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông Mỹ phỏng đoán khả năng cựu Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tự nguyện trình diện các công tố viên quận Manhattan, khi ông tới New York vào ngày mai (3/4).

Thông tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn trang nhất nhiều báo lớn. Ảnh: AFP
Thông tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn trang nhất nhiều báo lớn. Ảnh: AFP

Một ngày sau khi truyền thông đồng loạt đưa tin một đại bồi thẩm đoàn quyết định truy tố Trump, biến ông trở thành cựu Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, hàng rào kim loại đã được dựng lên xung quanh tòa án hình sự trên Phố Centre ở Hạ Manhattan.

Hàng chục phóng viên và đội ngũ quay phim đã cắm trại bên kia đường từ hôm 31/3, trong khi 20 nhân viên tòa án được huy động đứng chốt chặn ở lối vào tòa án, theo dõi mọi động thái trên đường phố. 

Theo nguồn tin riêng của New York Times, ông Trump dự định tới New York vào thứ Hai và nghỉ qua đêm tại Tháp Trump. Ông không có kế hoạch tổ chức một cuộc họp báo hay phát biểu trước công chúng trong thời gian ở New York.

Ông Trump hiện vẫn đang ở Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của ông tại Florida, trong khi tập trung thảo luận với các cố vấn qua điện thoại. Một trong những luật sư của ông, Joe Tacopina, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng cựu Tổng thống sẽ không chấp nhận thỏa thuận nhận tội, và đã sẵn sàng ra tòa.

Lập trường thách thức này có thể sẽ khiến những người ủng hộ ông càng tin việc truy tố là một sự trả thù có động cơ chính trị của đảng Dân chủ, như những gì ông Trump trước nay vẫn cáo buộc.

Cựu Tổng thống dự kiến ​​​​sẽ bị buộc tội tại tòa án hình sự Manhattan với hơn 30 tội danh liên quan đến những khoản thanh toán được thực hiện ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, để mua sự im lặng của ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels. Ông Trump được cho có thể bị bắt vào ngày 4/4 nếu không ra đầu thú, và đối mặt với bản án 4 năm tù nếu bị kết tội.

Vụ việc - có thể kéo dài hàng tháng trời - được tin sẽ thách thức các thể chế và luật pháp hiện hành của nước Mỹ, bởi tính chất phức tạp và chưa từng có tiền lệ của nó. Vụ việc cũng sẽ tác động sâu sắc đến chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024 - cuộc đua mà ông Trump hiện vẫn là người dẫn đầu của Đảng Cộng hòa.

Một cuộc thăm dò do nhóm vận động tranh cử của Trump thực hiện mới đây cho thấy, 51% đảng viên Cộng hòa coi Donald Trump là ứng cử viên ưa thích của họ vào năm 2024, bỏ xa đối thủ nặng ký nhất của ông trong đảng là Ron DeSantis, với 21% ủng hộ. Một cuộc khảo sát riêng của YouGov và Yahoo News cũng cho thấy kết quả tương tự, với 57% đảng viên Cộng hòa được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi chỉ có 31% ủng hộ ông DeSantis.

Các kết quả xuất hiện sau khi nhóm của Trump hôm 1/4 tuyên bố đã huy động được hơn 4 triệu USD cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông chỉ trong 24 giờ sau khi có thông báo truy tố.

Các đối thủ tiềm năng của ông Trump trong đảng Cộng hòa đến nay đều tránh chỉ trích vị cựu Tổng thống về bản cáo trạng, trong khi một số người thậm chí còn lên tiếng bảo vệ ông. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cũng từ chối bình luận về vụ việc của người tiền nhiệm.

Đây được tin là dấu hiệu cho thấy các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2024 đều không muốn đối đầu trực tiếp với ông Trump về vụ việc lần này, tránh gây phản cảm với hàng triệu cử tri vẫn đang ủng hộ Trump, cũng như nhóm cử tri trung lập.

"Công chúng ngày nay nhìn nhận hầu hết mọi thứ thông qua lăng kính đảng phái" - Wendy Schiller, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Brown (Mỹ), nói với AFP - "Bản cáo trạng trên hết sẽ là một món quà cho các nhà quản lý chiến dịch và chiến lược gia ở cả hai đảng lớn, tạo cho họ cơ hội để khơi dậy sự phẫn nộ nơi cử tri".