Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump vắng mặt ở châu Á, Trung Quốc tính chơi "tất tay"

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ tại một loạt hội nghị khu vực châu Á được cho là sẽ vô tình tạo điều kiện để Bắc Kinh ghi điểm.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chiến thắng ngoại giao hiếm khi đến dễ dàng như vậy: Chỉ cần xuất hiện tại một hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương tuần này là Trung Quốc sẽ ghi điểm.

Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á TBD (APEC) tại Papua New Guinea kể từ ngày 16/11, khiến Trung Quốc trở thành đầu tàu tại đây.

Cuộc chơi “tất tay”

Và ông Tập sẽ tận dụng thời gian tại đây, trong nỗ lực thể hiện sức mạnh tại khu vực này. Khu vực Nam Thái Bình Dương đã trở thành một “chiến địa chiến lược” giữa Trung Quốc và các đồng minh Mỹ ở châu Á – đặc biệt là Australia.

Ông Tập đã bắt đầu đổ tiền vào khu vực này như một phần của sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có nỗ lực ngược lại, với việc trong tuần trước công bố quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ đô Singapore và tăng cường triển khai hải quân để gây ảnh hưởng, cái ông gọi là "miếng vá".

Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Trump và việc cử Phó Tổng thống Mike Pence thay thế, được coi là cơ hội mà Mỹ để vuột mất nhằm hỗ trợ các đồng minh và cho thấy cam kết khu vực về một giải pháp thay thế dài hạn cho các khoản nợ của Trung Quốc tại đây.

"Ông Donald Trump không nhận ra ý nghĩa văn hóa to lớn khi tham gia diễn đàn đa phương này tại châu Á. Trong khi ông Tập thì có”, theo TS Rosita Dellios, giáo sư tại Đại học Bond ở Gold Coast, Australia.

Trung Quốc đã cam kết dành ít nhất 5,9 tỷ USD cho hơn 200 dự án trong khu vực kể từ năm 2011, theo dữ liệu được thu thập bởi Viện Lowy.

Bắc Kinh đã sử dụng các khoản vay ưu đãi để tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm một khu du lịch trị giá 500 triệu USD ở Fiji, một trang trại cá trị giá 320 triệu USD ở Polynesia và khu vực tổ chức hội nghị APEC ở Port Moresby.

Điều đó dẫn đến những lo ngại về “cuộc chơi tất tay” của ông Tập ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã phủ nhận các hành động của mình ở Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi những động cơ vượt quá sự cởi mở kinh tế và lòng vị tha.

Sau một cuộc họp ở Bắc Kinh tuần trước với nhà ngoại giao hàng đầu của Australia, bà Marise Payne, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định hai quốc gia không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác trong khu vực.

Căng thẳng gia tăng

Gần đây, Australia đã gây căng thẳng với Bắc Kinh thông qua các biện pháp giảm lùi ảnh hưởng với đối tác thương mại lớn nhất của Canberra.

Các nhà lập pháp nước này trong năm nay đã thông qua một luật nhằm giảm sự can thiệp của nước ngoài, một động thái đến sau khi phát hiện các DN Trung Quốc đã tài trợ cho các chính trị gia để trục lợi.

Thông báo của ông Morrison về sự tăng cường hoạt động tại Thái Bình Dương  đưa ra sau khi Australia chính thức cam kết với một sáng kiến ​​chung với Papua New Guinea để phát triển một căn cứ hải quân, nhằm cho ra rìa nỗ lực tương tự của Trung Quốc.

Ông Morrison cũng có kế hoạch tổ chức tiệc thịt nướng với các nhà lãnh đạo của các nước đảo Thái Bình Dương, một động thái được xem là phản đối sự tiếp cận của ông Tập.

Ý nghĩa của sự hiện diện

Tại các cuộc họp trong khuôn khổ Apec, ông Pence sẽ gặp ông Morrison và có một bài phát biểu quan trọng.

Chia sẻ với các phóng viên trên đường tham dự Hội nghị, ông Pence phủ nhận việc Tổng thống Trump liên tiếp vắng mặt tại các sự kiện ở khu vực và khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương "chưa bao giờ mạnh mẽ hơn".

Tuy nhiên, ở châu Á nói riêng, việc có xuất hiện hay không là điều quan trọng. Và với nhiều nhà phân tích, điều này làm cho tuần này trở thành một chiến thắng cho ông Tập, bất chấp những yếu tố khác.

"Nếu Mỹ muốn trở thành một phần hữu hình của khu vực này trong tương lai, Washington không thể chỉ tuyên bố với mùa hội nghị khu vực rằng, chúng tôi không quan tâm tới hội nghị của các bạn, hay quan tâm đến việc ngồi lại và có cuộc nói chuyện một-đối-một với người đứng đầu chính quyền Đông Nam Á”, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd chia sẻ với Bloomberg tuần trước.