Nỗ lực tuyệt vọng của OPEC+
Bất chấp căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine đẩy giá vàng tăng kỷ lục, giá dầu thế giới thời gian qua vẫn trên đà lao dốc và chưa có dấu hiệu khởi sắc trong dài hạn.
Ngày 5/9 vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã quyết định hoãn việc tăng sản lượng dầu thêm 2 tháng, nhưng động thái này không đủ để đảo ngược đà sụt giảm của giá dầu trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu mong manh. Theo thông báo sau cuộc họp trực tuyến về chính sách hôm 5/9, OPEC+ sẽ không tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10 và tháng 11.
Quyết định mới nhất được OPEC+ đưa ra sau khi dữ liệu kinh tế ảm đạm từ những những nước tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ khiến giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng. Trong tuần trước, giá dầu Brent lao dốc tới 10% xuống còn 72,63 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu WTI cũng mất 8%, về còn 69,19 USD/thùng và chạm mức đáy kể từ tháng 6/2023.
Giới phân tích cho rằng việc OPEC+ trì hoãn tăng sản lượng có thể ngăn chặn tình trạng thặng dư nguồn cung đã được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Công ty thương mại hàng hóa Trafigura Group dự báo trong quý 4/2024.
Tuy nhiên, liên minh dầu mỏ do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu vẫn đối mặt thách thức do nhu cầu nhiên liệu được dự báo suy yếu trong năm tới. Theo IEA, thặng dư dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng vào năm 2025 khi mức tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu vẫn ở mức thấp, trong khi sản lượng từ Mỹ, Guyana, Brazil và Canada vẫn tiếp tục tăng. IEA cảnh báo thế giới sẽ dư thừa khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày trong quý 1/2025.
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một trong những nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+ - rất muốn triển khai các khoản đầu tư gần đây vào công suất mới mà nước này cho biết đã đạt tới mức đáng kể là 4,85 triệu thùng/ngày. Con số này chiếm khoảng 5% nguồn cung của thế giới.
Triển vọng nhu cầu kém khả quan
Việc OPEC+ đảo ngược quyết định tăng sản lượng đưa ra hồi đầu tháng này không hề khó hiểu. Bởi theo các phân tích, dù liên minh dầu mỏ này có thúc đẩy hạ giá để kích thích kinh tế dẫn đến tăng nhu cầu nhằm tăng nguồn thu, thì mục tiêu cũng rất khó đạt được.
Như Reuters dẫn lời ông chuyên gia Bob Yawger, Giám đốc mảng năng lượng tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), nhận định: "Nếu bạn không cần xăng, bạn không cần dầu thô để sản xuất xăng. Vấn đề chính là kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đột phá để tăng nhanh nguồn tiêu thụ xăng dầu.
Cũng có quan điểm tương tự, chuyên gia năng lượng Christof Ruehl tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia nói với Bloomberg: "Tình hình không mấy khả quan cho OPEC+ vào năm 2025. Phần lớn giới phân tích đều cho rằng nguồn cung dầu khổng lồ từ các nước ngoài OPEC+ có thể dẫn đến tình trạng dư cung trên thị trường. Do đó, việc OPEC+ tiếp tục hạn chế bơm thêm dầu trong một vài tháng khó có thể cứu được giá mặt hàng này”.
Một động lực khác của kinh tế toàn cầu là Trung Quốc cũng chưa cho thấy những dấu hiệu thực sự khả quan. Trong tháng 7, nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua, đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Theo đài CNBC, Bank of America đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2025 xuống 75 USD/thùng đối với dầu Brent, giảm so với mức 80 USD/thùng trước đó, và xuống 71 USD/thùng đối với dầu WTI, thấp hơn mức 75 USD/thùng trước đó. Trong khi đó, bất chấp nỗ lực hạn chế bơm thêm dầu của OPEC+, ngân hàng Mỹ Citi dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình ở mức 60 USD/thùng vào năm tới vì tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường.