Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OPEC+ sẽ tăng “nhỏ giọt” sản lượng dù EU đề xuất cấm vận dầu Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - OPEC+ được dự đoán sẽ nhất trí chỉ tăng nhẹ sản lượng dầu do lo ngại nhu cầu năng lượng suy yếu trong bối cảnh tình hình phong tỏa để chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại Trung Quốc.

OPEC+ có thể chỉ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 6. Ảnh: AP
OPEC+ có thể chỉ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 6. Ảnh: AP

Bộ trưởng năng lượng các nước thuộc nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, sẽ họp trực tuyến vào ngày 5/5 (theo giờ địa phương) nhằm bàn về chính sách điều hành sản lượng khai thác trong tháng 6 tới.

Trong cuộc họp lần này, OPEC+ được dự đoán sẽ nhất trí chỉ tăng nhẹ sản lượng dầu do lo ngại nhu cầu năng lượng suy yếu trong bối cảnh tình hình phong tỏa để chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại Trung Quốc. Cũng như các tháng trước đó, OPEC+ có thể chỉ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 6. Theo thoả thuận được ký vào tháng 7/2021, OPEC+ dự kiến ​​sẽ tăng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến cuối tháng 9/2022.

Cuộc họp của OPEC+ trong tuần này diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất một lệnh cấm vận dầu mỏ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay theo từng giai đoạn đối với Nga. Chốt phiên giao dịch ngày 4/5, giá dầu thô đã tăng hơn 4% sau thông báo của EU, với giá dầu Brent tăng lên gần 110 USD/thùng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đà đi lên của giá dầu trong những phiên gần đây sẽ không làm “lung lay” quan điểm thận trọng của 23 thành viên OPEC+, liên minh do Riyadh và Moscow dẫn đầu.

Ông Walid Kudmani, chuyên gia phân tích của công ty XTB, nhận định có thể OPEC sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng dần sản lượng của mình bất chấp sự bất ổn hiện tại liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, vì nhu cầu có nguy cơ sụt giảm do tình hình phong tỏa trên diện rộng tại Trung Quốc.

Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thông báo đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow theo từng giai đoạn. Cơ quan này muốn từng bước loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. Triển vọng này đang đe dọa nguồn cung tại thị trường châu Âu vốn đã căng thẳng từ trước đó.

Tuy nhiên, bà Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia phân tích của ngân hàng Swissquote, nói rằng OPEC đã thể hiện rõ quan điểm rằng cuộc xung đột tại Ukraine không phải là lý do để lo ngại.

Trong khi đó, về dự báo cung cầu trên thị trường, OPEC+ dự kiến ​​cung sẽ vượt cầu 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022, cao hơn 600.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC hiện dự báo ​nhu cầu dầu thế giới năm 2022 sẽ tăng thêm 3,67 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 480.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.