Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Pakistan: Cùng quẫn vì nghèo đói

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Câu chuyện đẫm nước mắt của gia đình Akbar rồi cũng xuất hiện tại một vị trí trang trọng trên mặt báo và gây được sự chú ý cao của dư luận.

KTĐT - Câu chuyện đẫm nước mắt của gia đình Akbar rồi cũng xuất hiện tại một vị trí trang trọng trên mặt báo và gây được sự chú ý cao của dư luận.

Có một thực tế cam go khác mà người dân Pakistan đang phải đối mặt lại có vẻ ít được nhắc tới: Nạn đói của những người dân bần cùng nghèo khổ.

Ở đất nước Pakistan, cứ vài ngày người ta lại thấy trên báo chí những dòng sự kiện tồi tệ như đánh bom tự sát tại các trung tâm mua sắm, nơi cầu nguyện, hoặc là những cuộc đấu súng với phe Taliban. Thế nhưng, còn một thực tế cam go khác mà người dân Pakistan đang phải đối mặt lại có vẻ ít được nhắc tới: Nạn đói của những người dân bần cùng nghèo khổ.

Bi kịch một gia đình nghèo

Beenish, cô con gái 14 tuổi của một người lái xe kéo ở Lahore, từ nhỏ đã khao khát trở thành bác sĩ, đêm nào cũng thức rất khuya để học bài. Mỗi khi mất điện, Beenish thường thắp một ngọn đuốc để xem sách. Và tất nhiên, thành tích học tập của em luôn đứng trong tốp đầu ở lớp.

Thế rồi vào một ngày đen tối, ước mơ đẹp đẽ của Beenish vĩnh viễn không thành sự thật được nữa. Em đã chết, chết trong vòng tay của người cha - anh Akbar. Đau đớn hơn, người gây ra cái chết cho Beenish và 2 người em gái lại chính là Akbar. Người cha đã đầu độc 3 cô con gái mà ông vất vả nuôi nấng trước khi tự kết liễu cuộc đời mình. Trong lúc Akbar cho con gái dùng thuốc độc, 3 đứa nhỏ nữa vẫn đang say giấc bên cạnh người cha.
 
Thảm kịch xảy ra vào thời điểm người vợ - chị Muzammil - đang ra ngoài lấy nước. Trước đó, Akbar đã nhiều lần lên kế hoạch và đẩy chị ra khỏi nhà để thực hiện hành động dại dột kia. Khi Muzammil trở về, cô kịp nhìn thấy Kainat - đứa con gái tật nguyền 7 tuổi vẫn còn tỉnh táo và chồng cô thì đang ép nó nuốt liều thuốc độc. Đứa trẻ tội nghiệp la lên với bố rằng: "Không, mùi kinh quá bố ơi, con không muốn ăn đâu!". Thoáng chút bàng hoàng, chị Muzammil hét lên rồi hỏi chồng nguyên cớ vì sao lại làm một điều khủng khiếp như vậy. Akbar trả lời: "Anh đầu độc bọn trẻ bởi vì nếu vợ chồng ta chết, chúng cũng không sống nổi", rồi ép vợ uống thuốc độc theo mình.

Đau đớn tột cùng vì chồng và 3 đứa con gái đã chết, người phụ nữ làm theo yêu cầu đó. Nhưng, khi nghĩ đến mấy đứa nhỏ còn sống, cô đã cố gắng nhổ viên thuốc độc ra và thoát chết.

Khoản nợ đau lòng

Muzammil bảo: Người chồng của cô vốn rất hiền lành, tốt bụng, đã không vượt qua được áp lực cơm áo gạo tiền trong gia đình đông con, lại thêm bệnh tật triền miên, rồi đi đến quyết định giết con và tự sát.

"Anh ấy chưa từng làm hại ai cả" - người đàn bà nghèo nói trong nước mắt -  "Ở anh ấy lúc nào cũng đầy sự ân cần, yêu thương. Chúng tôi còn chưa bao giờ cãi vã". Vậy nhưng, có một bất đồng nghiêm trọng trong gia đình, một khoản nợ mà vợ chồng Muzammil không trả nổi. Nó cũng làm om sòm gia đình bố mẹ ruột của Akbar, lần cuối vào đúng ngày Akbar chết. Anh ta trở về sau vụ cãi vã ở nhà bố mẹ, trước khi quẫn trí giết các con.

Thật vô cùng đau xót, khoản nợ gây nên bi kịch trên chỉ là 60.000 rupee (khoảng 700 USD)

Câu chuyện đẫm nước mắt của gia đình Akbar rồi cũng xuất hiện tại một vị trí trang trọng trên mặt báo và gây được sự chú ý cao của dư luận. Trước đây, những vụ tự sát vì nghèo đói như thế thường xuất hiện rất khiêm tốn với vài dòng ngắn ngủi. Ở nơi này, người ta đã quá quen với chết chóc trong những vụ đánh bom tự sát, các cuộc đấu súng triền miên, nên những thảm cảnh xảy ra trong mỗi gia đình như thế dường như ít được chú ý.

Niềm tin và hy vọng

Thực tế là nhiều dân nghèo ở Pakistan đang phải đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nếu không có tiếng súng đạn triền miên, thì tiếng kêu yếu ớt của họ có lẽ đã được nhiều người biết đến.
 
Javed Akram - bác sĩ điều trị cho Muzammil ghi nhận được khoảng 10 vụ đầu độc mỗi ngày, so với trước đây chỉ 4 đến 5 vụ. Ông này cho biết, "trước đây người ta thường nhảy từ các tòa nhà cao tầng, nhưng bây giờ thì sử dụng thuốc độc vì rẻ hơn". Rẻ ở đây có thể được hiểu là rẻ cho bản thân người tự tử và cho người thân của họ khi giải quyết hậu sự.

Theo vị bác sĩ này, áp lực mưu sinh là nguyên nhân chính trong các vụ tự tử. Hầu hết các trường hợp đều cùng quẫn trong nghèo khổ mà tìm đến cái chết.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, gần như một nửa dân số Pakistan chỉ ăn một bữa một ngày. Một nghị sĩ quốc hội Pakistan từng ví các vụ tự sát như một niềm tin mãnh liệt ở đấng tối cao. Bộ trưởng Thông tin nước này, ông Qamar Zaman Kaira thì khuyên người dân nghèo nên gửi con cái của họ đến những trung tâm chăm sóc trẻ nếu không thể nuôi nổi chúng.

Sau khi câu chuyện đau lòng của gia đình Muzammil được các phương tiện truyền thông đăng tải, Muzammil đã nhận được một khoản trợ cấp lớn từ chính quyền địa phương. Người đàn bà góa đang dự định xây một căn nhà nhỏ và mở cửa hàng kinh doanh. Những hóa đơn thuốc vẫn được miễn phí cho Muzammil. Bác sĩ sẽ vẫn chăm sóc tận cô tận tình. Cô đang có cơ hội làm cuộc đời mình tươi sáng hơn. Có điều, Muzammil đã không còn người chồng mà cô yêu mến, cùng 3 người con gái ngoan ngoãn.

Hơn nữa, những trường hợp "may mắn" như Muzammil thì không nhiều. Một câu chuyện của gia đình Akbar không thay đổi được thực tế là nhiều dân nghèo ở Pakistan đang phải đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nếu không có tiếng súng đạn triền miên, những câu chuyện chính trị, khủng bố... thì tiếng kêu yếu ớt của họ có lẽ đã được nhiều người biết đến.