Biên bản ghi nhớ đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và tập đoàn đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới. Trong đó, tận dụng thế mạnh của mỗi bên để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã đặt ra, thông qua việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo với trọng tâm là điện gió ngoài khơi.
Theo Biên bản ghi nhớ được ký kết, Petrovietnam và CIP sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, thông tin về chuyển đổi năng lượng từ dầu khí sang năng lượng tái tạo, với các chủ đề cụ thể như công nghệ, chuỗi cung ứng, hậu cần, cơ sở hạ tầng, chuyên môn kỹ thuật...
Tập đoàn CIP sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo về các loại hình năng lượng tái tạo mới như công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Amoniac, Hydro xanh...), nguồn điện dự trữ, đảo năng lượng... Bên cạnh đó, Petrovietnam và CIP cũng sẽ nghiên cứu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định, hai nước Việt Nam và Đan Mạnh đã có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng. Đại sứ quán sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối và khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Các nhà đầu tư Đan Mạch cũng sẵn sàng đầu tư lớn vào các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam để cung cấp điện và giảm phát thải CO2.
"Mong rằng sự hợp tác của Petrovietnam và CIP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ mang đến những kết quả cụ thể và đạt được thành công như kỳ vọng. Việc hợp tác của hai đơn vị cũng góp phần làm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch" - Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz kỳ vọng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang, việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Petrovietnam và CIP sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động bất lợi đến biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm ô nhiễm môi trường, cam kết phát thải ròng vào năm 2050, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có Petrovietnam.
Trước những biến động của thị trường, nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam đang tích cực lên kế hoạch và lộ trình thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng. "Với thế mạnh của mỗi bên, việc hợp tác giữa CIP sẽ và Petrovietnam sẽ đạt được thành quả trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tích hợp công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" - ông Phan Tử Giang tin tưởng.
Thành viên HĐQT CIP Robert Helms cho biết, CIP tự hào khi có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển và xây dựng các dự án gió ngoài khơi quốc tế, bổ trợ cho kinh nghiệm và năng lực vững chắc trong các dự án năng lượng ngoài khơi của Petrovietnam. Tại Việt Nam, CIP mong muốn hợp tác với Petrovietnam nghiên cứu, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, tạo dựng tiền đề hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng phục vụ các dự án tương tự trong tương lai.