Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải hành động ngay

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trung tuần tháng 9 trở lại đây, không khí Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn trong ngưỡng báo động, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

  Không khí Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn trong ngưỡng báo động trong mấy tuần qua.
Thủ phạm đã được các chuyên gia môi trường chỉ rõ, song giải pháp để hạn chế sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí hiện nay mới chỉ là những lời khuyến cáo. Về lâu dài, Nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền TP phải sớm đưa ra một hành động mạnh mẽ giải quyết vấn đề này.
Nhiều chuyên gia môi trường đã chỉ rõ, hiện tượng trên diễn ra liên tục do ảnh hưởng từ các loại khí, chất thải có thời gian tích tụ, nay bắt đầu phát tán. Nguồn thải ô nhiễm từ đâu? Không khó để trả lời, rằng từ chính chất thải các phương tiện tham gia giao thông như xe máy, ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khu công nghiệp... Tiếp đó, rác thải, phế liệu không được thu gom triệt để; tình trạng đốt rác trộm buổi đêm; các công trình đang xây dựng phát sinh bụi. Và tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến khí thải khó phát tán. Hiểu nôm na là, các loại khí thải, bụi hữu cơ, bụi mịn và bụi tự nhiên nếu gặp thời tiết xấu, khiến cho các khí thải trên bị “mắc kẹt”, lơ lửng không thoát đi (hiện tượng nghịch nhiệt).
Trong những ngày qua, Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội tiếp tục khuyến cáo: Vào những ngày chất lượng không khí ở mức kém (màu da cam), nhóm nhạy cảm, người dân cần hạn chế ra ngoài, đồng thời trang bị cho mình khẩu trang đạt chuẩn trước khi ra khỏi nhà. Ngoài ra, các khu vực ngoại thành cần hạn chế đốt rơm rạ.
Có lẽ đây là đợt ô nhiễm không khí kéo dài nhất trong những năm gần đây trên địa bàn Hà Nội. Những đề xuất về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại các đô thị lớn một lần nữa được các nhà chức trách, các chuyên gia nêu. Tựu trung lại, gồm giảm thiểu khí thải từ ô tô, xe máy, xe gắn máy; đưa kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng để giảm phát sinh bụi; kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ nguồn (các nhà máy, các khu công nghiệp...); tuyên truyền để làm thay đổi thói quen người dân ở ngoại thành đốt rơm rạ; trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để tạo nên “lá phổi xanh” điều hòa không khí, bảo vệ môi trường. Mặc dù những việc đó đều đang được triển khai nhưng thiếu sự đồng bộ, nhất quán và thực thi một cách nghiêm minh.
Đơn cử Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), TP này đã rơi vào tình trạng báo động về ô nhiễm không khí, có lẽ còn trầm trọng hơn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay. Để cải thiện môi trường, từ năm 1998, Bắc Kinh đã tuyên chiến với ô nhiễm bằng những hành động cụ thể: Nỗ lực thay thế than đá sang khí đốt tự nhiên; yêu cầu mọi khu vực đô thị phải giảm nồng độ ô nhiễm bụi mịn ít nhất 10%, áp dụng chính sách hạn chế, cấm xe cá nhân vào nội đô... TP này cũng đã chi 120 tỷ USD, đóng cửa gần 2.500 nhà máy, từ chối gần 20.000 đơn xin thành lập nhà máy mới... Trong kế hoạch giảm ô nhiễm không khí, đến năm 2020, Bắc Kinh cũng sẽ đóng cửa khoảng 1.000 nhà máy nữa. Với những nỗ lực này, Bắc Kinh đã sớm rời khỏi nhóm danh sách TP ô nhiễm nhất thế giới.
Vậy nên, các đô thị lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, cần sớm thực thi những hành động quyết liệt, đồng bộ, nhất quán để ngăn chặn ô nhiễm lan rộng. Đó không chỉ riêng ô nhiễm không khí, mà còn ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Và cũng nên nghĩ đến giải pháp kiểm soát nguồn phát thải ô nhiễm bằng công cụ kinh tế thông qua chính sách thuế, phí môi trường, phí phát thải..., bởi Luật Thuế bảo vệ môi trường chưa thể giải quyết đến gốc của vấn đề.