Phải phù hợp với quy hoạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Dự thảo Quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ...

Kinhtedothi - Trong Dự thảo Quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện đã quy định việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ GPXD, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng và các công trình liền kề, lân cận, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đảm bảo an toàn công trình lân cận

Theo nội dung của Dự thảo Thông tư, những quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng được áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng nhà ở riêng lẻ. Cụ thể, tùy theo quy mô nhà ở, mà việc kiểm tra điều kiện địa chất khu vực xây dựng được thực hiện theo các quy định khác nhau.

 
Cần phải quan tâm chặt chẽ đến các công trình nhà ở riêng lẻ.
Cần phải quan tâm chặt chẽ đến các công trình nhà ở riêng lẻ.
Trong đó đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2 hoặc từ 2 tầng trở xuống, chủ nhà tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thiết kế nhà ở thực hiện kiểm tra điều kiện địa chất của địa điểm xây dựng nhà ở theo một trong các phương pháp sau: Kiểm tra trực tiếp thông qua hố đào thủ công để xác định chiều dày, chất lượng các lớp đất và xác định lớp đất dự kiến đặt móng nhà. Tham khảo số liệu khảo sát địa chất công trình và giải pháp xử lý nền, móng của các công trình lân cận. Tham khảo các số liệu địa chất công trình nơi xây dựng nhà ở do cơ quan có chức năng hoặc có thẩm quyền cung cấp.

Trường hợp không có các thông tin nêu trên hoặc số liệu khảo sát xây dựng thu thập được có độ tin cậy thấp, chủ nhà cần thuê nhà thầu khảo sát có đủ điều kiện năng lực để thực hiện khảo sát xây dựng. Còn đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2 hoặc từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát xây dựng.

Về việc thiết kế xây dựng nhà ở, Dự thảo Thông tư đã có những quy định cụ thể. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2 hoặc từ 2 tầng trở xuống, việc thiết kế nhà ở được tổ chức thực hiện như sau: Mọi tổ chức, cá nhân được thiết kế nếu có kinh nghiệm đã từng thiết kế nhà ở có quy mô tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế. Trường hợp xây dựng nhà ở tại nông thôn, không bắt buộc phải lập bản vẽ thiết kế cụ thể, chủ nhà có thể thi công theo mẫu nhà ở đã được xây dựng nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình. Khuyến khích chủ nhà thuê cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 2 Điều này để thiết kế nhà ở.

Còn đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2 hoặc từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải tổ chức thẩm định thiết kế theo quy định tại Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng.

Quản lý chặt chẽ chất lượng công trình

Trong quá trình thi công xây dựng, chủ nhà có thể trực tiếp giám sát hoặc ủy quyền cho người đại diện giám sát thi công xây dựng hoặc thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng để tự thực hiện việc giám sát thi công xây dựng. Trong đó yêu cầu phải kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị... trước khi đưa vào thi công xây dựng nhà ở; kiểm tra hệ thống cốp pha, đà giáo, giàn giáo thi công; theo dõi biến dạng, lún công trình nhà ở; kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công; kiểm tra biện pháp che chắn để đảm bảo an toàn cho người và cho công trình liền kề, lân cận.

Đối với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên, chủ nhà thực hiện việc nghiệm thu theo quy định Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng; tuy nhiên phần hồ sơ chỉ giới hạn một số nội dung được quy định tại Phụ lục 1 và gửi Sở Xây dựng để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Chủ nhà và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thi công xây dựng công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung công việc do mình thực hiện.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nếu có xảy ra tranh chấp giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận Thông tư đã quy định những cách xử lý cụ thể. Đó là trước khi thi công, chủ đầu tư chủ động liên hệ với các chủ công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có).

Trong quá trình thi công nếu phát hiện công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ, chủ nhà phải phối hợp với các chủ công trình liền kề, lân cận xem xét, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục.

Trường hợp các bên không thống nhất được biện pháp khắc phục thì báo cáo chính quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật hoặc bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tại tòa án.