Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh kiến nghị của nhiều chuyên gia về việc Lịch sử phải là môn học bắt buộc, đứng độc lập trong chương trình THPT, cũng có những ý kiến cho rằng, biên soạn sách giáo khoa như thế nào để thu hút học sinh (HS) mới là điều quan trọng.

Quan điểm này được các chuyên gia bày tỏ bên lề hội thảo về biên soạn sách giáo khoa do NXB Giáo dục tổ chức sáng 9/11.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Tích hợp Lịch sử vào đâu, cần phải bàn kỹ

Phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử - Ảnh 1Suốt từ bậc tiểu học lên THCS, Lịch sử là môn học bắt buộc. Lên THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, HS phải chọn môn học theo định hướng tương lai nghề nghiệp của các em. Do vậy, mình phải làm sao tạo điều kiện cho HS chọn môn học chính phù hợp với nhu cầu của các em. Còn nếu môn nào cũng bắt buộc thì HS học quá nặng và không phù hợp với định hướng học tập. Mà theo dự thảo CT GDPT tổng thể, Lịch sử là môn tự chọn nhưng buộc các em phải chọn rồi.

Theo tôi, chỉ có điều tích hợp môn học Lịch sử này vào đâu là câu chuyện cần phải bàn kỹ, vì hiện nay chúng ta không có chuyên gia làm công việc này. Môn Lịch sử có mặt ở khắp nơi. Ví dụ, trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt có đầy rẫy môn Lịch sử thông qua những câu chuyện lịch sử, khi các em học Văn thì gắn với hoàn cảnh lịch sử. Cho nên, lo lắng ở bậc THPT Lịch sử không là môn học bắt buộc là không cần thiết.

Với cách viết SGK Lịch sử hiện nay đừng nên bắt buộc HS học. Lịch sử là môn học thuộc lòng mà cứ nhìn nhận một chiều. Việc này có lỗi một phần ở những người viết sách, nhưng lỗi chính là những người viết sử. Nếu viết sử hấp dẫn thì dù Lịch sử là môn tự chọn, nhưng HS sẽ vẫn chọn.  

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo T.Ư:

Nhiều quốc gia coi Lịch sử là môn học bắt buộc

Phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử - Ảnh 2Trong Chương trình (CT) Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, CT Lịch sử ở bậc Tiểu học, THCS không có vấn đề gì. Tuy nhiên, ở bậc THPT, nếu xem thoáng qua việc thiết kế các môn học, môn Lịch sử có nhiều nội dung kiến thức. Nhưng nghiên cứu kỹ, phân môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng - An ninh nằm trong môn Công dân với Tổ quốc thì không có nhà lịch sử nào tải nổi 4 nội dung kiến thức. Hơn nữa, làm như thế là phá nát môn Lịch sử. Thực tế, trên thế giới không có nước nào có môn Công dân với Tổ quốc mà lại tích hợp 3 nội dung đó. Đấy là tôi chưa nói đến việc dạy như thế nào, ai dạy. Bộ GD&ĐT nói là trước đây thiết kế môn học này 2 tiết, giờ nâng lên 3 tiết, mỗi bộ môn 1 tiết, thế thì là tích hợp theo kiểu ghép 3 môn.

Nếu tích hợp theo đúng nghĩa phải theo mục tiêu và kiến thức chung. Tôi mong muốn, nếu chúng ta làm thế này thì phải có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn rất xác đáng, cần thảo luận kỹ. Trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là cần giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần dân tộc  và nâng cao lòng yêu nước. Nhìn ra các nước, chúng ta thấy, tại Mỹ, sau sự kiện ngày 11/9, Lịch sử là môn học bắt buộc, ở Canada cũng vậy. Ở 25 nước châu Âu có đến 20 quốc gia quy định Lịch sử là môn bắt buộc. Nếu Bộ GD&ĐT xếp Lịch sử là môn tự chọn thì các em sẽ bỏ qua vì môn học này không giải quyết được công ăn việc làm khi ra trường.

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

Muốn dạy Lịch sử hiệu quả phải thay đổi rất căn bản

Phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử - Ảnh 3Lịch sử là một trong những môn học hấp dẫn, nội dung phong phú với lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Cho nên, nhàm chán đối với HS tuyệt đối không phải tại môn Lịch sử. Vấn đề là dạy ra sao để tạo nên hứng thú trong học tập và suy nghĩ của các em thế nào. Theo tôi, thế hệ trẻ nhàm chán môn học này hoàn toàn không thuộc về trách nhiệm của các em. Bởi trong nhiều cuộc thi các em vẫn tìm hiểu và có những bài thi rất tốt, khiến tôi rất cảm kích.

Tôi biết, trong một cuộc điều tra xã hội học, ở một trường nào đó có hơn 80% HS rất bất bình khi nghe tin bỏ môn Lịch sử. Như vậy, rõ ràng không phải tại thế hệ trẻ, vậy nguyên nhân từ đâu? Chúng ta thấy rằng, trước hết SGK nặng nề và nhồi nhét kiến thức, không chỉ HS mà tất cả những người đọc SGK đều rất chán. Cách giảng nặng về truyền thụ kiến thức, không tôn trọng tính khoa học của môn Lịch sử cũng như đối tượng giáo dục là các em, không tạo nên hứng thú, không đào tạo tư duy sáng tạo.

Theo tôi, muốn dạy môn Lịch sử hiệu quả, phải thay đổi rất căn bản. Trước hết, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và những người thiết kế CT GDPT phải thay đổi nhận thức của mình, hiểu rõ vị thế của môn Lịch sử trong giáo dục lớp trẻ là điều căn bản. Học sử để làm gì, học những nội dung gì thì phải xác định rõ ràng. Trên cơ sở nhận thức và tư duy rất mới đó phải xây dựng chương trình, viết lại toàn bộ SGK theo yêu cầu và nội dung hoàn toàn mới. Điều quan trọng là những kiến thức được chọn lọc kỹ, rất nhẹ nhàng nhưng tạo nên nhận thức, sự yêu mến Lịch sử, từ đó xây dựng kỹ năng, góp phần xây dựng phẩm chất và năng lực của HS.