Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân công cơ quan soạn thảo văn bản chi tiết thi hành 8 luật, nghị quyết

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định 15229/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Phân công cơ quan soạn thảo văn bản chi tiết thi hành 8 luật, nghị quyết - Ảnh 1

Cụ thể, Ngân hàng nhà nước chủ trì soạn thảo 3 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền (có hiệu lực từ ngày 1/3/2023): 

- Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền (thay thế Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền - được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019).

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo (thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

- Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền. 

Cả 3 văn bản trên đều phải trình vào tháng 1/2023.

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023).

Với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ 1/7/2023), Bộ Nội vụ được phân công chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước quy ước của cộng đồng dân cư. Cả 2 văn này bản trình vào tháng 4/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng 2 Nghị định để quy định chi tiết thi hành Luật Thực hiện dân chủ sở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023): Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), trình vào tháng 5/2023; Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, trình vào tháng 10/2024.

Với Luật Thanh tra (sửa đổi) (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023), Thanh tra Chính phủ được phân công chủ trì xây dựng 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. 2 Nghị định này trình vào tháng 5/2023.

Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023).

Với Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023), Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Nghị định này được trình vào tháng 3/2023.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ.

Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực về khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo hoặc đề xuất bổ sung văn bản quy định chi tiết.