Phân tích rõ nguyên nhân để kéo giảm tai nạn giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình an toàn giao thông trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, cần phân tích làm rõ để giảm thiểu rủi ro.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Sáng 10/10, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023.

Báo cáo công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng đầu năm 2023, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ TNGT, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 90 vụ (giảm 1,07%), giảm 60 người chết (giảm 1,24%), tăng 216 người bị thương (tăng 3,87%).

TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Đặc biệt số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Sáng 10/10, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023.
Sáng 10/10, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023.

Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.

Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (22 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng, trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn, nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.

Hội nghị trực tuyến diễn ra tại đầu cầu Hà Nội.
Hội nghị trực tuyến diễn ra tại đầu cầu Hà Nội.

Đáng chú ý, gia tăng hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT (xảy ra 44 vụ, tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, ông Hùng cho biết, do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép... còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: “Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội 9 tháng đầu năm giảm sâu cả 3 tiêu chí. Cụ thể đã xảy ra 419 vụ, làm 212 người chết, 337 người bị thương. So sánh cùng kỳ giảm 211 vụ (33,5%), giảm 100 người chết (32,05%), giảm 96 người bị thương (22,17%)”.

Cũng theo ông Nguyễn Phi Thường, trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội xử lý được 10/37 điểm ùn tắc giao thông, điều chỉnh tổ chức giao thông 37 nút giao, 6 tuyến trục chính nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm ATGT. Đồng thời, tiến hành giải quyết được 201 kiến nghị về bất cập tổ chức giao thông; xử lý được 06/07 điểm đen tai nạn giao thông.

Trong 9 tháng đầu năm Sở GTVT - cơ quan thường trực Ban ATGT Thành phố tập trung triển khai các chuyên đề: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học; đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; hoạt động “xe dù, bến cóc” và giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn Thành phố.

ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

“Trong 9 tháng đầu năm 2023, các lực lượng Công an Thành phố, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý 234.850 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT, phạt tiền hơn 480 tỷ đồng; tạm giữ 59.533 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 42.735 trường hợp (trong lĩnh vực vận tải hành khách: Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 3.780 trường hợp, phạt 8.143.250.000 đồng, tạm giữ 30 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 459 trường hợp)” – ông Nguyễn Phi Thường cho biết thêm.

Làm rõ nguyên nhân tai nạn

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Nguyễn Văn Thắng cho biết, liên tục trong nhiều năm trở lại đây, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ, giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước, kết quả 9 tháng đầu năm 2023 cũng có nhiều kết quả tích cực với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cùng rất nhiều nỗ lực cố gắng của các ban An toàn giao thông, các bộ, ngành địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi để xảy ra các vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Nguyên nhân được cho là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân còn thấp, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để, do đó, thời gian tới cần phải kiên trì, quyết tâm hơn trong việc đảm bảo các giải pháp đảm bảo TTATGT", Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh và yêu cầu cần phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan trong công tác đảm bảo TTATGT quý III/2023 và trong 9 tháng đầu năm 2023.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia báo cáo về tình hình TTATGT 9 tháng đầu năm. 
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia báo cáo về tình hình TTATGT 9 tháng đầu năm. 

Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay trong quý IV/2023. Trong đó, đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 10, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.

Tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích mổ xẻ những bất cập trong hoạt động quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và hành vi thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây TNGT, từ đó kiến nghị những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất cấp thiết và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để thực hiện.

Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có GPLX điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây TNGT.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tích hợp thông tin khám sức khỏe lái xe lên hệ dữ liệu quốc gia để dùng chung. Qua đó, cho phép các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể truy cập tham khảo các thông tin sức khỏe lái xe khi cần thiết.