Ngay sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã đưa ra bình luận.
Theo đài RT, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố những yêu cầu "không thực tế" của Ukraine đang cản trở các cuộc đàm phán hòa bình.
Moscow đưa ra bình luận cùng ngày với cuộc điện đàm (26/4) - cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hoan nghênh những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ khởi động các cuộc đàm phán ý nghĩa. Bà cho rằng tầm nhìn của Nga và Trung Quốc về con đường dẫn đến hòa bình “rất đồng điệu” với nhau.
Theo bà Zakharova, vấn đề không phải là thiếu kế hoạch tốt mà do chính quyền Kiev cho đến nay vẫn chưa tiếp thu bất kỳ sáng kiến hợp lý nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cả biện pháp chính trị và ngoại giao.
Bà cũng đổ lỗi cho Kiev về sự đổ vỡ cuối cùng của các cuộc đàm phán vào mùa xuân năm ngoái khi Nga và Ukraine tổ chức nhiều vòng gặp mặt.
Ukraine đã nhiều lần nói rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể nối lại sau khi Nga trao trả những phần lãnh thổ mà họ mới sáp nhập. Ngược lại, Moscow coi yêu cầu đó là không thể chấp nhận được.
Các vùng lãnh thổ này bao gồm Crimea đã bỏ phiếu rời Ukraine và gia nhập Nga vào năm 2014; Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye cũng làm như vậy sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Zelensky đã ký một sắc lệnh tuyên bố sẽ không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong một diễn biến liên quan, Nhà Trắng đã hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, song cho rằng còn quá sớm để nói liệu sự kiện này có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine hay không. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đưa ra bình luận trên với báo giới ngày 26/4.
Theo hãng tin AFP, Brussels cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Eric Mamer cho biết: “Đây là bước đầu tiên quan trọng của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của mình”.
Trong khi đó, Pháp nói rằng nước này "khuyến khích mọi cuộc đối thoại" có thể "góp phần giải quyết xung đột" "phù hợp với lợi ích cơ bản của Kiev" và luật pháp quốc tế.
Trước đó, Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin trong cuộc điện đàm hôm 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Cùng ngày, truyền thông quốc gia Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky cho hay, Bắc Kinh sẽ chú trọng vào vai trò thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow, cũng như nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn sớm nhất.
Ông Zelensky cho hay ông đã có một cuộc điện đàm "dài và có ý nghĩa" với nhà lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời hy vọng điều này sẽ tạo động lực cho quan hệ với Bắc Kinh.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát tháng 2/2022.
Tổng thống Ukraine từ lâu đã đề nghị được đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Moscow hồi tháng 3.
Trung Quốc là nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, nhiều lần kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine và từ chối trừng phạt Moskva, bất chấp sức ép của phương Tây.
Hồi tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất văn kiện 12 điểm phác thảo lộ trình hòa bình cho Ukraine. Trong đó, Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ chủ quyền của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế, phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, phản đối những lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Nga, Belarus ủng hộ đề xuất, song các nước phương Tây cho rằng kế hoạch này phản ánh chưa đầy đủ cuộc chiến. Trong khi đó, Kiev chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng mà muốn thảo luận thêm với Bắc Kinh.