Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát động Chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ"

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/6, Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫ xử lý rơm rạ sau thu hoạch và ký cam kết thực hiện Chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” trên địa bàn.

Mục tiêu của Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về tác hại của việc đốt rơm rạ. Đưa các phương pháp hữu ích trong việc tái chế, tái sử dụng rơm rạ, đáp ứng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khỏe của người dân.
 Người dân xã Thọ An, Đan Phượng ký cam kết không đốt rơm rạ sau thu hoạch
Tham gia Chiến dịch này có 100 hộ gia đình xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng tình nguyện ký cam kết tham gia. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính hàng năm trên địa bàn TP phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiêp. Trong đó có 350 nghìn tấn được người dân đốt bỏ ngoài cánh đồng (chiếm 37,7%). Việc làm này là “lợi bất cập hại”, không những làm lãng phí 1 nguồn nguyên liệu để tái chế làm phân bón sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, còn gây ô nhiễm môi trường. Khói bụi từ việc đốt rơm rạ là một loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường có thể dùng khẩu trang ngăn chặn được, còn đối với loại bụi mịn thì khẩu trang cũng không có tác dụng. Bên cạnh đó, khói đốt rơm rạ cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, độ nóng của đốt rơm rạ ảnh hưởng tới kết cấu đường giao thông.
 Người dân xã Thọ An rắc chế phẩm sinh học xử rý rơm rạ.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, sau thu hoạch người dân nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý lượng rơm rạ này thành phân bón vi sinh, tái phục vụ sản xuất. Giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vậy hữu ích, cải thiện độ phì của đất. Điều này sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn từ 15 – 20%, năng suất vượt trội từ 10 – 15% so với cách canh tác truyền thống. Đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất, chống các loại sâu bệnh thường gặp trên cây lúa… Đây là cách làm cho hiệu quả thiết thực, bền vững, tác động tích cực đến môi trường. Việc ký cam kết không đốt rơm rạ người dân sẽ được hưởng bầu không khí trong lành và không phải chịu các rủi ro về sức khỏe do khói của việc đốt rơm rạ gây ra. Tham gia vào chiến dịch, bà con còn được cung cấp và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp. Góp phần tăng chất lượng và mức độ an toàn cho sản phẩm nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.